Năng lượng tái tạo

Giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo

Thứ sáu, 3/2/2023 | 16:36 GMT+7
Thủ tướng yêu cầu ngành công thương thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo.

Ngày 3/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức.

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương, mà trước hết là tập trung cho 4 quy hoạch ngành được giao chủ trì gồm: Quy hoạch điện lực quốc gia; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Đây đều là các quy hoạch ngành rất quan trọng và rất khó, nhất là Quy hoạch điện lực quốc gia và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. Cho đến nay, các quy hoạch này đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn thẩm định để phê duyệt theo quy định.

Theo Thủ tướng, quy hoạch vừa phải bảo đảm tiến độ vừa phải bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển đúng hướng, mang lại lợi ích cho người dân và đất nước. Tiến độ rất cần nhưng cần hơn nữa là chất lượng quy hoạch, nhất là Quy hoạch điện VIII. Ở điểm này chúng ta bình tĩnh, không nóng vội, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải carbon gắn với phát triển năng lượng sạch, tái tạo. Bảo đảm an ninh năng lượng về cung cấp điện và xăng dầu. Tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp. Trong mọi điều kiện phải bảo đảm cung cấp điện an toàn cho sản xuất.

Thủ tướng nhấn mạnh và dành nhiều thời gian phân tích 5 vấn đề liên quan tới điện gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Trong đó, nguồn điện phải sử dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời; tải điện phải tránh tình trạng xây dựng nguồn ồ ạt nhưng không có tải; phân phối điện phù hợp với điều kiện đất nước và từng khu vực; sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm; giá điện phù hợp với nền kinh tế và thu nhập người dân.

Về giá điện, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được. Cần lợi ích hài hòa, khó khăn và rủi ro chia sẻ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân; cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng.

Cùng với đó, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu (sản xuất trong nước và nhập khẩu), bảo đảm không bị thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống. Sớm nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tinh thần bớt khâu trung gian, giảm thủ tục trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tăng cường kiểm tra, giám sát.

Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành điện, dầu khí, than… Phát huy kinh nghiệm xử lý hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc kéo dài đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1 và đã đưa các dự án này vào vận hành, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu xử lý các vướng mắc đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…

Tiến Đạt