Triển lãm là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024 nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý, giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Việc tìm kiếm các giải pháp mới trong việc thu gom, phân loại, tái chế rác thải bao bì nhựa tại Việt Nam còn góp phần hỗ trợ, thúc đẩy chính sách trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Triển lãm Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024
Báo cáo nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa do Tập đoàn Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỷ USD/năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn 25 - 30% so với sản phẩm nhựa thông thường nên chưa được người dân ưu tiên sử dụng.
Theo bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng giám đốc Truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững Unilever Việt Nam, triển lãm Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024 là hoạt động thiết thực để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom, tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa mềm, giá trị thấp tại Việt Nam.
Triển lãm quy tụ nhiều đơn vị, tổ chức tại Việt Nam đang phát triển sản phẩm mẫu hoặc sở hữu giải pháp công nghệ giúp cải tiến, hướng đến tạo dựng các mô hình, sáng kiến, giải pháp trong việc giải quyết bài toán về rác thải nhựa, rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là rác thải bao bì nhựa mềm có thể ứng dụng tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có các mô hình hay, sản phẩm mới sẵn sàng bày bán tại thị trường Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến tính phù hợp để nhân rộng mô hình, tính triệt để trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và tính bền vững. Các mô hình/sản phẩm cũng hướng đến khả năng thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa mềm, bao gồm các giải pháp đã có hoặc chưa có sản phẩm thực tế.
Tại triển lãm, nhiều sản phẩm, mô hình thông minh hướng đến tái chế rác thải nhựa, bao bì xanh và hệ thống, máy móc kỹ thuật phân loại rác thải đã được trưng bày, giới thiệu.
Điển hình như đại diện nhóm I.U.D UPPERLAB.CO, Đại học Bách khoa TPHCM Phan Khánh Duy đã giới thiệu về hệ thống phân loại rác thải nhựa tự động DTS. Hệ thống có thể tự nhận diện rác thải nhựa tùy theo từng phân loại, giúp tiết kiệm đáng kể sức lực của người lao động trong việc phân loại rác thải nhựa. Hệ thống đã được thử nghiệm tại nhà máy Duy Tân, cho kết quả và năng suất hoạt động tốt, tiết kiệm chi phí vận hành cũng như nguồn lực lao động.
Bà Hà Phan Kim Nguyệt, đại diện Up Green Việt Nam chia sẻ, sản phẩm nổi bật nhất của Up Green Việt Nam là Danh thiếp thông minh từ nhựa tái chế. Danh thiếp được tích hợp một con chip NFC trong đó và mang thiết kế hoa văn truyền thống, kết hợp sơn mài nghệ thuật Việt Nam. Sản phẩm vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa truyền tải giá trị văn hóa truyền thống ý nghĩa. Con chip trong danh thiếp được tích hợp nhiều thông tin của người sử dụng, có thể dùng để giới thiệu bản thân, giới thiệu doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, di sản văn hóa.