Giới thiệu công nghệ xử lý rác thải từ Canada

Thứ tư, 31/8/2022 | 11:05 GMT+7
Ngày 30/8, Tổng lãnh sự quán Canada tại TPHCM phối hợp với Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo "Từ rác thải tới tài nguyên - Giải pháp từ Canada".

Tại hội thảo, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam báo cáo chi tiết về hiện trạng quản lý và xử lý chất thải rắn tại Việt Nam. Cụ thể, trong tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt có 10 - 12% là rác thải nhựa, 50 - 70% là rác thải hữu cơ. Tỷ lệ thu gom trung bình tại đô thị chiếm 93,7%, nông thôn chiếm 83%. Công nghệ xử lý chủ yếu tại Việt Nam là chôn lấp (chiếm 70%), trong đó hầu hết các bãi chôn lấp không đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường. 

Theo ông Phùng Chí Sỹ, hiện nay công tác vận động tái chế chất thải rắn tại Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ tái chế rác thải thấp, đặc biệt là rác thải nhựa. Các chương trình phân loại rác tại nguồn chưa mang lại nhiều hiệu quả. 

Theo đó, PGS.TS Lê Hùng Anh, Trưởng văn phòng đại diện Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TPHCM cho biết, công nghệ xử lý rác thải của Canada đã có nhiều thành công trên trường quốc tế, nhưng lại chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam.

Do đó, hội thảo lần này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, các trường đại học Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, trao đổi với các công ty Canada đang hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác thải các loại; hướng đến hợp tác chuyển giao công nghệ, tìm giải pháp phù hợp cho tình hình thực tế tại Việt Nam.

Hội thảo "Từ rác thải tới tài nguyên - Giải pháp từ Canada"

Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của 6 doanh nghiệp tại Canada, giới thiệu nhiều công nghệ, giải pháp về xử lý chất thải như: công nghệ xử lý rác sinh học và cơ học. Với công nghệ này, rác thải không cần phân loại tại nguồn. Tại nhà máy, rác thải sẽ được nén ép, nước từ rác được đưa vào bể biogas, phần xác còn lại sử dụng làm chất đốt, tạo ra nhiệt năng lớn.

Đối với rác thải công nghệ, phía Canada giới thiệu công nghệ xử lý rác thải điện tử, khai thác kim loại quý. Đây là giải pháp cần thiết khi rác thải điện tử ngày càng nhiều. Với công nghệ này, nhà máy sẽ nghiền nhỏ rác thải rồi chuyển đến khu vực tách lấy kim loại quý.

Bên cạnh đó, phía đối tác còn giới thiệu các công nghệ xử lý rác thải khác như: công nghệ khí hóa rác thải; nhiệt phân, xử lý rác thải nhựa thành các sản phẩm dầu mỏ. 

Trong buổi hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã đặt câu hỏi trực tiếp với đại diện các công ty phía Canada để được giải đáp các thắc mắc, tìm hiểu về công nghệ xử lý rác và hình thành cơ hội chuyển giao, tiến đến hợp tác trong tương lai.

Huyền Dung