Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương, ngày càng có nhiều người quan tâm đến truyền thống khoa bảng của tỉnh Hải Dương (xứ Đông). Ngoài Văn miếu Mao Điền, đền thờ thầy giáo Chu Văn An, tỉnh còn có làng tiến sĩ Mộ Trạch (xã Tân Hồng, Bình Giang), đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (xã Nam Tân, Nam Sách), đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (phường Văn An, TP Chí Linh). Nhờ tài nguyên du lịch văn hóa phong phú đó, Hải Dương đã xây dựng mô hình "du lịch khoa bảng".
Hải Dương nổi danh bởi truyền thống hiếu học và khoa bảng, đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt cao, có 498 tiến sĩ Nho học, với 11 trạng nguyên. Trong số đó có nhiều người nổi tiếng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn học, ngoại giao… như Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Lê Cảnh Tuân, Nguyễn Dữ, Nguyễn Quý Tân… Đặc biệt có bà Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Tái hiện lại hình ảnh lều chõng xưa của các sĩ tử tại khuôn viên đền thờ Chu Văn An
Tài nguyên "du lịch khoa bảng" của Hải Dương còn mang tính duy nhất, đặc sắc và nổi trội không nơi nào có được.
Bà Nguyễn Hoài Thoa, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, xây dựng các tour "du lịch khoa bảng" (tìm hiểu truyền thống khoa bảng) là mối quan tâm và là nhiệm vụ của những người làm du lịch Hải Dương.
Những năm qua, ngành đã định hướng xây dựng dòng sản phẩm lữ hành, các chương trình tham quan du lịch chuyên đề nội tỉnh trong 1 ngày mang tên "Con đường khoa cử Việt". Tour bắt đầu từ TP Hải Dương đi làng tiến sĩ Mộ Trạch - Văn miếu Mao Điền - đền thờ nhà giáo Chu Văn An - đền thờ bà chúa sao sa Nguyễn Thị Duệ.
Tham gia các tour "du lịch khoa bảng", du khách có thể tìm hiểu về truyền thống hiếu học, dấu tích, sự tích có liên quan đến dòng họ Vũ - Võ và các vị tiến sĩ ở làng tiến sĩ Mộ Trạch. Ở các địa điểm khác, khách tham quan có thể tìm hiểu và nghiên cứu về hoạt động thi cử thời phong kiến...
Tuy nhiên, việc triển khai mô hình hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như Mộ Trạch được tôn vinh là làng tiến sĩ của nước Nam, nhưng sản phẩm du lịch mới phát triển ở mức độ tham quan. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm du lịch chưa phát triển tương xứng với những giá trị văn hóa lịch sử được lưu giữ. Tình trạng này cũng xuất hiện tương tự tại Văn miếu Mao Điền và đền thờ Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, các địa điểm này còn đơn điệu về sản phẩm quà tặng và trải nghiệm nên ít để lại ấn tượng với du khách.
Ngoài ra, sự kết nối giữa các điểm tham quan hầu như chưa có, tại các địa điểm hiện chỉ diễn ra các hoạt động du lịch nhỏ lẻ. Do đó, để “du lịch khoa bảng” phát triển hơn trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc, quan tâm, đóng góp xây dựng mô hình của các ban ngành.