Phối hợp quản lý bền vững tài nguyên nước

Thứ sáu, 24/3/2023 | 15:00 GMT+7
Ngày 23/3 (giờ địa phương), trong khuôn khổ Hội nghị Nước của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chia sẻ quan điểm về quản lý bền vững tài nguyên nước tại phiên đối thoại cấp cao “Hợp tác về nước”.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, 60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam đã tham gia mô hình hợp tác Ủy hội sông Mê Kông, được nhiều quốc gia quan tâm. Mỗi lưu vực sông đều có đặc trưng văn hóa riêng, có tính thống nhất liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, sinh kế của người dân. Các lưu vực sông đều có chức năng quan trọng về môi trường, phát triển năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giải trí… Vì vậy, mỗi lưu vực sông xuyên biên giới cần được nhìn nhận đầy đủ để có cơ chế quản lý tổng hợp; thống nhất nhu cầu sử dụng tài nguyên nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự phiên đối thoại cấp cao “Hợp tác về nước”

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do đó, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới phải có sự kết nối giữa các quốc gia. Dịp này, Phó Thủ tướng chia sẻ một số giải pháp tiếp cận tổng thể, tổng hợp, công bằng trong hợp tác quản lý tài nguyên nước.

Bao gồm: các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chung để quản lý toàn diện, tổng hợp lưu vực sông xuyên biên giới trong tính đa dạng và thống nhất. Từ đó, cùng nhau bảo đảm việc khai thác, sử dụng nước bền vững; chia sẻ các lợi ích từ nước; trao đổi, thảo luận, tham vấn lẫn nhau khi đưa ra những dự án phát triển trên cơ sở đánh giá tác động, môi trường, dòng chảy, lưu vực sông.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cấp thiết phải hình thành hệ thống quan trắc trực tiếp, ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại để đặt ra các bài toán, dự báo về các dòng sông. Cần có các dự án đầu tư, điều tra, đánh giá đầy đủ, đồng thời đưa ra quy hoạch quản lý tổng hợp, trong đó có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn các giá trị văn hóa mà dòng sông tạo nên.

Đặc biệt, cần hình thành các cơ quan, tổ chức của Liên Hợp Quốc để điều phối, hỗ trợ khoa học, công nghệ, cơ chế tài chính liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các quốc gia có dòng sông xuyên biên giới chảy qua. Lưu ý, quản lý nguồn nước phải gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; xây dựng khuôn khổ pháp lý đi cùng với thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước; coi con người là mục tiêu hàng đầu trong tiến trình.

Chia sẻ những áp lực ngày càng lớn liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đang phải đối mặt, đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, cùng với nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng ở các quốc gia thượng nguồn, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các tổ chức, các đối tác quốc tế, nhất là các quốc gia trong Ủy hội sông Mê Kông, các quốc gia tham gia cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về nước xuyên biên giới.

Mộc Trà (T/H)