Liên Hợp Quốc kêu gọi bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý nguồn nước

Thứ tư, 22/3/2023 | 17:38 GMT+7
Nhân Ngày Nước thế giới năm 2023, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh vai trò của các cá nhân, tập thể trong việc bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý nguồn nước cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nước là huyết mạch của thế giới, của con người. Từ sức khỏe, dinh dưỡng, tới giáo dục và cơ sở hạ tầng, nước luôn đóng vai trò thiết yếu đối với sự tồn vong và an sinh của nhân loại, cũng như phát triển kinh tế và thịnh vượng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này đang bị suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm, khai thác và sử dụng quá mức. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang hủy hoại vòng tuần hoàn nước tự nhiên; ô nhiễm khí nhà kính tiếp tục gia tăng với những mức kỷ lục mới, khiến nền nhiệt thế giới ấm lên. Các tác nhân này đang làm trầm trọng hơn các thảm họa liên quan đến nước, gián tiếp gia tăng nhiều dịch bệnh, tình trạng thiếu nước và hạn hán, khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại, suy giảm chuỗi cung ứng và sản xuất lương thực…

Theo thống kê, cứ mỗi 100 người thì có 25 người sử dụng nước từ suối và ao lộ thiên hoặc phải trả giá cao để mua nước không chắc chắn an toàn; 22 người đi vệ sinh lộ thiên hoặc sử dụng nhà vệ sinh bẩn, xuống cấp, hư hỏng; 44 người xả nước thải không qua xử lý vào môi trường. Những hành động này đang đi ngược lại với nỗ lực để đạt được các mục tiêu về quản lý an toàn nước và vệ sinh cho tất cả mọi người của Liên Hợp Quốc vào năm 2030.

Vì vậy, với chủ đề “Accelerating Change” (Thúc đẩy sự thay đổi), Ngày Nước thế giới năm 2023 nhắc nhở mọi người về vai trò của các cá nhân và tập thể trong việc bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý nguồn huyết mạch của nhân loại cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Cần bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý nguồn nước hiệu quả

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, bất kỳ hành động nào, dù nhỏ hay lớn đều có thể giúp đẩy nhanh sự thay đổi để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đối với mỗi cá nhân, sự thay đổi có thể tới từ việc tiết kiệm nước và ngừng gây ô nhiễm, bắt đầu bằng những hành động đơn giản như tắm trong thời gian ngắn hơn, không để nước chảy khi đánh răng, ngừng đổ chất thải thực phẩm, dầu ăn, thuốc và hóa chất xuống cống... Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm địa phương, thực phẩm theo mùa, trồng cây, tham gia dọn dẹp sông, hồ hoặc bãi biển gần nơi sinh sống cũng là những hành động góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Bên cạnh đó, Hội nghị về Nước của Liên Hợp Quốc khai mạc ngày 22/3 cũng là một dấu mốc quan trọng đối với Chính phủ các quốc gia, chính quyền địa phương, các vùng, doanh nghiệp, nhà khoa học, thanh niên, tổ chức xã hội và cộng đồng trong nỗ lực chung, cùng thiết kế và đầu tư vào các giải pháp để đạt được mục tiêu nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

“Chúng ta không có một phút giây nào để lãng phí. Hãy khiến năm 2023 là một năm chuyển đổi và đầu tư cho huyết mạch của nhân loại! Hãy hành động để bảo vệ, quản lý bền vững và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng nguồn nước của tất cả mọi người!”, ông António Guterres kêu gọi.

Ngọc Mai