Sức khỏe

Hiểm họa từ bánh Trung thu trôi nổi gắn mác xách tay, homemade

Thứ ba, 20/8/2019 | 10:22 GMT+7
Được quảng cáo là hàng xách tay cao cấp, đồ homemade nhà làm, những chiếc bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm định chất lượng, giá bán từ 35.000 đến 90.000 đồng/chiếc đang tràn ngập thị trường, đặc biệt trên các trang bán hàng online.

Bánh homemade, xách tay bán tràn lan

Là mẹ bỉm sữa, đang ở nhà trông con, thú vui hàng ngày của chị Linh Chi (phố Kim Mã, Hà Nội) là lướt mạng mua sắm. Mùa Trung thu đang đến gần, tràn ngập mạng xã hội là những bài đăng bán bánh Trung thu với lời quảng cáo “có cánh”: bánh Trung thu nhà làm không dùng phẩm màu trôi nổi, dùng màu tự nhiên từ bột trà xanh, hoa đậu biếc, tinh than tre, bột lá nếp, lá cẩm, gấc, khoai lang tím, củ dền, ca cao, bột gạo đỏ… an toàn cho cả trẻ nhỏ và mẹ bầu… Đăng kèm lời giới thiệu là hình ảnh những chiếc bánh có màu sắc, kiểu dáng bắt mắt, thu hút sự chú ý của người xem.

Bánh Trung thu homemade, nhà làm đắt hàng trên chợ mạng

Chị Chi cho biết, chị đã thử đặt mua một số loại bánh “nhà làm” được rao bán trên Facebook, Instagram nhưng chất lượng nhiều khi không được như lời giới thiệu. Ví dụ: chiếc bánh nướng trà xanh được quảng cáo là ít ngọt nhưng vẫn ngọt khé cổ. Bánh dẻo được quảng cáo tự sên nhân, không dùng hóa chất, chất bảo quản nhưng vừa mở lớp túi nylon đã sộc lên mũi mùi hương liệu…

Thử mua những chiếc bánh được giới thiệu là làm bằng bột màu rau củ tự nhiên, chị Thu Phương, chủ tiệm bánh ngọt trên đường Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Nếu xét về màu sắc, những nguyên liệu tự nhiên như củ dền, khoai lang tím, lá nếp… khó có thể tạo ra những sắc màu tươi sáng như màu của những chiếc bánh này, đặc biệt là với loại bánh nướng, cần phải qua công đoạn nướng trên nhiệt độ 160 - 200 độ C, rất dễ bị mất màu, biến đổi màu. Có thể người làm đã sử dụng màu thực phẩm nhưng vẫn quảng cáo dùng màu rau củ tự nhiên để khách mua yên tâm.

Đặc biệt, hầu hết bánh trung thu homemade đều được bán trên mạng, với những lời giới thiệu của người bán về nguyên liệu, thành phần của chiếc bánh, cùng lời nhắc nhở, nên dùng bánh từ 5 - 7 ngày… mà không hề có bất kỳ một loại tem nhãn nào cho biết thông tin của bánh như nguồn gốc nguyên liệu, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm… nên nếu có mua phải loại bánh kém chất lượng, nhiều người tiêu dùng cũng đành ngậm ngùi bỏ chiếc bánh đi.

Hầu hết bánh nhà làm được đóng gói không có tem nhãn, thông tin sản phẩm

Cùng với dòng bánh homemade, bánh xách tay cũng là sản phẩm được bán rộng rãi trong mùa Trung thu. Trên mạng xã hội Facebook, Zalo, các kênh bán hàng online, tràn lan những loại bánh Trung thu được người bán giới thiệu là xách tay từ Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), hàng nội địa Trung Quốc, với nhiều mức giá khác nhau từ 70.000 - 250.000 đồng/hộp.

Tất nhiên, những chiếc bánh xách tay này cũng chỉ được người bán cam kết chất lượng bằng miệng, còn trên bao bì, vỏ hộp hoàn toàn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, thể hiện thành phần, nguyên liệu hay chất lượng của sản phẩm.

Hàng ngàn bánh Trung thu trôi nổi bị thu giữ

Dù còn rất lâu nữa mới đến Tết Trung thu nhưng lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện, thu giữ hàng ngàn chiếc bánh Trung thu trôi nổi được nhập vào Việt Nam.

Cụ thể: đầu tháng 8/2019, lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn đã kiểm tra, phát hiện một xe tải chở nhiều thùng các-tông chứa 300 cái bánh ngọt nhân trứng, nhãn hiệu Zhishi Liuxinsu, 820 cái bánh dẻo Mashu, toàn bộ do Trung Quốc sản xuất, lô hàng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Ngày 16/8, lực lượng chức năng kiểm tra điểm tập kết hàng hoá tại số 46, ngõ 93/47 Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, thu giữ hơn 4 nghìn bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ước tính đã có khoảng hơn 20.000 sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu bị Công an Hà Nội phối hợp với Đội quản lý thị trường số 13, Cục quản lý thị trường Hà Nội thu giữ trong những ngày vừa qua. Trong đó, phổ biến nhất là loại bánh Trung thu ngàn lớp nhân trứng muối chảy, đang gây sốt trên mạng internet qua các trang bán hàng online, với giá bán dao động từ 70.000 đồng đến 250.000 đồng/hộp 6 bánh.

Nhằm ngăn chặn bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Tổng cục Quản lý thị trường vừa có công văn yêu cầu các cục quản lý thị trường tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2019, để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Về phía mình, người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình trước, chỉ nên mua bánh từ những thương hiệu uy tín, có cửa hàng đàng hoàng, không nên mua sản phẩm không có bao bì, nhãn mác, tránh để "tiền mất bệnh mang" vì những chiếc bánh gắn mác xách tay hay nhà làm đang bán tràn lan khắp mọi nơi.

Theo PNVN