Hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ở Việt Nam

Thứ tư, 22/3/2023 | 16:44 GMT+7
Ngày 22/3, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) phối hợp với Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức hội thảo quốc tế Dự báo, cảnh báo dựa trên tác động thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau.

Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường cho biết, thời gian qua, công tác dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là thiên tai KTTV của Việt Nam và thế giới đã đạt được rất nhiều thành công. Tuy nhiên, để thông tin dự báo, cảnh báo KTTV thực sự là đầu vào cho việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngành KTTV Việt Nam và các nước cần phải triển khai nhiều công việc hơn trong thời gian tới.

Do đó, thông qua hội thảo, Tổng cục KTTV mong rằng sẽ nhận được nhiều chia sẻ, kinh nghiệm từ quốc tế, trải nghiệm thực tế của các dự báo viên tại các địa phương, từ đó đúc kết thành các quy định, quy trình, phương pháp, gợi mở cách làm để triển khai dự báo tác động, dự báo dựa trên tác động và tiến tới cảnh báo chi tiết, đầy đủ tác động và rủi ro thiên tai.

Hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn ở Việt Nam

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ kiến thức cơ bản trong dự báo và cảnh báo dựa trên tác động (IbFW), trong đó có đánh giá tác động cơ bản (mối nguy hiểm, mức độ phơi nhiễm, tính dễ bị tổn thương và rủi ro). Dịp này, ADPC cũng hướng dẫn cho thành viên tham dự bài tập thực hành về xây dựng khung ma trận tác động của bão; bài tập thực hành về xây dựng khung ma trận tác động của lũ lụt.

Phát biểu tại hội thảo, ông Senaka Basnayake, Giám đốc ADPC cho biết, sự kiện trên là dịp để các bên nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và đặc biệt là các thông tin về dự báo dựa trên tác động trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về IbFW, Giám đốc ADPC thông tin, đây là cách tiếp cận có cấu trúc, kết hợp số liệu thiên tai, phơi lộ và tính dễ bị tổn thương để xác định rủi ro và hỗ trợ ra quyết định, với mục tiêu cuối cùng là khuyến khích hành động sớm nhằm giảm thiệt hại và tổn thất về người do thiên tai gây ra. IbFW cung cấp thông tin cần thiết để giảm thiểu chi phí kinh tế - xã hội do hiểm họa thời tiết và khí hậu gây ra. Các tổ chức và cá nhân có thể đưa ra các quyết định quan trọng để đảm bảo có sẵn các nguồn lực và vật tư để hành động sớm và ứng phó ngay khi còn an toàn.

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Lalit Kumar Dashora, chuyên viên cao cấp về hệ thống dự báo, cảnh báo sớm đa thiên tai thuộc ADPC đã chia sẻ về dự án “Tăng cường khả năng chống chịu khí hậu cực đoan (URCE) cho khu vực đô thị ở Đông Nam Á”. Dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống và cộng đồng cư dân khu vực đô thị trước các hiện tượng khí hậu cực đoan mới nổi, thiên tai và tình trạng khẩn cấp được dự đoán cho các thành phố khu vực đồng bằng và ven biển ở Việt Nam.

Theo ông Lalit Kumar Dashora, để tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng cực đoan ở khu vực đô thị, cần hiểu rõ các rủi ro hiện tại và trong tương lai, xây dựng năng lực phòng chống, quản lý khẩn cấp, phát triển ngành cũng như cơ chế quản trị rủi ro và học hỏi để quản lý rủi ro bền vững cho tương lai. 

Trong khi đó, Việt Nam có cơ sở hạ tầng và công nghệ dự báo KTTV rất tốt, tuy chưa thay đổi dự báo hiểm họa thành dự báo tác động. Do đó, ADPC sẽ giúp đỡ Tổng cục KTTV Việt Nam xác định các hiểm họa chính để đưa ra những dự báo tác động cụ thể. Trong đó, thảo luận với chính quyền thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) và thành phố Nam Định (Nam Định) - 2 thành phố được lựa chọn để triển khai dự án UREC để cùng hợp tác đưa ra dự báo dựa trên tác động, hỗ trợ đưa ra dự báo, cảnh báo bão, lũ lụt và hạn hán.

Thanh Tâm (T/H)