Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thứ tư, 22/3/2023 | 10:39 GMT+7
Ngày 21/3, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã ban hành 68 nghị quyết, kế hoạch, đề án, quyết định liên quan phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; các huyện, thành phố cũng thành lập, kiện toàn các Ban Chỉ đạo tại cấp huyện, thành phố. Thực hiện quy hoạch phân loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đúng quy định và phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; triển khai hiệu quả công tác giao đất, cho thuê đất rừng, hoàn thành sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang đã duy trì ổn định diện tích rừng trồng trên 193.000ha, trong đó có trên 43.800ha được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), sản lượng khai thác gỗ bình quân hơn 1 triệu m3/năm, chiếm hơn 23% tổng sản lượng khai thác của vùng trung du miền núi Bắc Bộ; kim ngạch xuất khẩu lâm sản của tỉnh giai đoạn 2017 - 2022, đạt 119,05 triệu USD; GRDP ngành lâm nghiệp của tỉnh năm 2022 đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt hơn 10%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Tuyên Quang

Sau khi lắng nghe báo cáo về tình hình lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, các đại biểu đã cùng thảo luận về những nội dung liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý về rừng tại địa phương, đặc biệt là công tác phát triển kinh tế lâm nghiệp, coi đây là lĩnh vực đa mục tiêu (kinh tế, du lịch, môi trường...), nâng cao đời sống của người làm nghề rừng; công tác cải tạo trồng rừng thay thế đối với các diện tích rừng nghèo kiệt, kém chất lượng; các chính sách phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 13 đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Tuyên Quang đạt được trong công tác phát triển và bảo vệ rừng, đặc biệt trong việc thực hiện hiệu quả chính sách giao đất, giao rừng cho người dân, trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.

Theo ông Trần Tuấn Anh, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực đổi mới, cải cách môi trường, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, trồng rừng và chế biến gỗ, lâm sản bước đầu hình thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ trong địa bàn. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện như: kinh tế lâm nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; các chính sách về phát triển lâm nghiệp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế rừng, coi kinh tế rừng là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu, thí điểm, triển khai các mô hình phát triển rừng bền vững bằng phương thức nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán. Tỉnh cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành chế biến gỗ và các sản phẩm gỗ, bảo đảm nguồn cung cho ngành chế biến gỗ, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Có giải pháp hữu hiệu tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ carbon; quan tâm hơn đến việc hỗ trợ các lực lượng, hộ gia đình, người dân, cộng đồng trong quản lý, bảo vệ rừng…

Bảo Ngọc (T/H)