Văn hóa, du lịch

Hòa Bình định hướng phát triển du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững

Thứ hai, 19/9/2022 | 16:52 GMT+7
Với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, là trung tâm du lịch lớn của khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.

Cụ thể, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến, quảng bá, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch có trọng tâm, trọng điểm, trong đó quan tâm nâng cấp và mở rộng một số tuyến đường đến các khu du lịch, nhất là các tuyến đường kết nối lên vùng lõi của khu du lịch hồ Hòa Bình. Từ đó, thu hút các nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư, lập dự án phát triển du lịch.

Trong năm 2022, tỉnh đã ban hành 4 quyết định chấp thuận chủ trương đầu dự án có quy mô lớn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao gồm: khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp hồ Khả; khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung (Lạc Sơn); quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ (Kim Bôi); quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Yên Thủy.

Phát triển du lịch gắn với văn hóa, sinh thái và chất lượng cao

Bên cạnh đó, Hòa Bình khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tài nguyên và định hướng phát triển của tỉnh, như du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh, thể thao… Từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa dân tộc Mường, dân tộc Mông.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, tỉnh vẫn chưa thu hút được các tập đoàn du lịch có thương hiệu lớn để đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp với dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, chưa có khu nghỉ dưỡng tầm quốc tế hay khu vực được xếp hạng 4, 5 sao. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là các tuyến đường kết nối đến các tuyến, điểm du lịch trọng điểm…

Để khắc phục thực trạng trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Bao gồm: khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là đầu tư hệ thống đường giao thông, bến thuyền kết nối các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, chất lượng cao.

Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về vai trò của phát triển du lịch của các cấp, các ngành… Đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch về quản lý, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, hội nhập và phát triển trong cơ chế thị trường; thúc đẩy phát huy hiệu quả các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tích hợp quy hoạch du lịch để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thu hút đầu tư, phát triển du lịch; rà soát, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ nhà đầu tư, cộng đồng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trải nghiệm cho khách tham quan du lịch…

Minh Khang (T/H)