Hoàn thiện đề án Bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia

Thứ tư, 16/6/2021 | 11:28 GMT+7
Ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cùng Thứ trưởng Lê Công Thành đã họp với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT nghe báo cáo về hoàn thiện đề án Bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Tại cuộc họp, các đơn vị trực thuộc Bộ đóng góp ý kiến xây dựng Đề án. Theo đó, tập trung vào quan điểm bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia là vấn đề thiết yếu, cấp bách, là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân.

Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; tiếp tục khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế để thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là tận dụng sự tham gia có trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác, cung ứng dịch vụ ngành nước nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.

Việc đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải dựa trên cơ sở quản lý tổng hợp tài nguyên nước, thống nhất quản lý về tài nguyên nước, do cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chịu trách nhiệm điều phối chung, bảo đảm thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện. Việc quản lý phải thống nhất về số lượng và chất lượng nước; giữa nước mặt và nước dưới đất; nước trên đất liền và nước vùng cửa sông, nội thủy, lãnh hải; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

Cần tổng hợp và thống nhất trong quản lý tài nguyên nước

Ngoài ra, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội cũng cần phải gắn với khả năng đáp ứng của nguồn nước, với việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Đồng thời, bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu, kết hợp hài hòa lợi ích của từng ngành, từng địa phương, đảm bảo công bằng, hợp lý.

Đầu tư cho bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia phải kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững, tối ưu hóa nguồn lực phát triển. Quản lý phải dựa trên kết quả điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát, quy hoạch tài nguyên nước và phải được chuyển đổi số nhằm điều hòa, phân bổ và phát triển nguồn nước theo thời gian thực.

Tham gia đóng góp ý kiến, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị cần nâng cao các công tác hoạt động của Việt Nam trong vấn đề tài nguyên nước xuyên biên giới để tham gia các hiệp ước, công ước quốc tế… Đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện cần đảm bảo đạt được mục tiêu tiên quyết của Đề án. Đó là: chủ động nguồn nước cấp cho sinh hoạt, các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu của người dân và các ngành kinh tế trong mọi tình huống; giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài. Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; bảo đảm việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, nên chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do nước gây ra; tăng cường chuyển đổi số phục vụ điều hòa, phân bổ nguồn nước và hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch, an toàn và được quản trị trên nền tảng công nghệ số.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị chuyên môn đánh giá lại toàn bộ Đề án, đưa ra các các đánh giá khoa học, các dự báo về những vấn đề thách thức với tài nguyên nước, từ đó làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan và đưa ra những quan điểm, chủ trương, mục tiêu và có những giải pháp đồng bộ, áp dụng khoa học công nghệ để kiểm soát được vấn đề an ninh tài nguyên nước hiện nay.

Ngọc Mai (T/H)