20% giếng nước ngầm trên thế giới có nguy cơ cạn kiệt

Thứ ba, 11/5/2021 | 16:39 GMT+7
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) công bố trên tạp chí Science rằng, 20% giếng nước ngầm trên toàn thế giới có nguy cơ bị cạn kiệt trong tương lai gần.

Nhiều giếng nước ngầm dần cạn kiệt, không thể khai thác, sử dụng

Các giếng nước ngầm là nguồn cung cấp nước chính cho khoảng một nửa dân số toàn cầu. Tuy nhiên, tính riêng trong nửa thế kỷ qua, nhiều tầng chứa nước ngầm lớn của thế giới đã cạn kiệt do sự quản lý yếu kém và áp lực ngày càng tăng của con người. Bên cạnh đó, một số nơi còn bị ảnh hưởng nặng nề do yếu tố thiên tai như hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn.

Tại Việt Nam, nhiều công ty cấp nước ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng trữ lượng khai thác và chất lượng nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học California, 20% giếng nước ngầm trên toàn thế giới có nguy cơ bị cạn kiệt trong tương lai gần nếu mực nước ngầm giảm xuống vài mét.

Công bố trên có được từ kết quả nghiên cứu hồ sơ xây dựng của gần 39 triệu giếng nước ngầm ở 40 quốc gia trên thế giới, bao gồm thông tin về vị trí, độ sâu, mục đích và ngày xây dựng.

Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, 6 - 20% tổng số giếng nước ngầm trên thế giới có độ sâu không quá 5m so với mực nước ngầm tại địa phương. Điều này đồng nghĩa với khi các tầng chứa nước tiếp tục giảm với tốc độ hiện tại, nhiều giếng trong số đó có thể sẽ cạn kiệt trong những thập kỷ tới.

Khả Di (t/h)