Quy định trong thu gom, xử lý nước thải

Thứ ba, 25/5/2021 | 16:32 GMT+7
Tính đến nay, hoạt động quản lý và xử lý nước thải ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập khi cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã có những nghiên cứu, đánh giá về tình trạng xử lý nước thải tại Việt Nam trước vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do quá trình công nghiệp hóa và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Từ đó đưa ra những kiến nghị giải pháp cho Chính phủ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này. Đến nay, hoạt động quản lý và xử lý nước thải dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Tại Việt Nam, sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội đã kéo theo sự gia tăng các vấn nạn ô nhiễm môi trường, rác thải, nguồn nước, không khí… đồng thời đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho công tác bảo vệ, xử lý, khắc phục các vấn đề này. Các Báo cáo Môi trường quốc gia của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giai đoạn từ năm 2013 đến nay đều đề cập đến các nguồn phát thải nước thải chủ yếu từ sinh hoạt, công nghiệp, y tế và cơ sở dịch vụ, làng nghề, chăn nuôi… Trong khi đó, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thường chú trọng vào các công trình đem lại lợi ích kinh tế, còn các công trình xã hội dù vẫn được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được công suất yêu cầu, chưa phù hợp với tốc độ phát triển và chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 chuyên đề Môi trường nước các lưu vực sông cho thấy, nước thải sinh hoạt chiếm 30% tổng lượng thải trực tiếp dẫn ra sông. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, đặc biệt tại hai trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, có số dân đông đúc với mật độ dân số đứng đầu cả nước cũng là hai vùng tập trung nhiều nước thải nhất cả nước.

Hệ thống xử lý nước thải 

Lượng nước thải phát sinh trên 1 đơn vị diện tích ở khu vực đô thị lớn hơn nhiều so với khu vực nông thôn, dẫn đến quá tải các hệ thống thoát nước và tiếp nhận nước thải tại các thành phố. Tính đến năm 2018, Việt Nam có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đang được vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Nếu kể cả các dự án đang xây dựng, có khoảng 80 hệ thống xử lý nước thải tập trung, tổng công suất thiết kế khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm. Mặc dù có trên 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng song hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý mới chỉ đạt khoảng 13%. Ngoài ra, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa tách biệt được hệ thống thoát nước thải với hệ thống thoát nước mưa khiến cho lượng nước thải sinh hoạt phát sinh lớn, làm giảm hiệu quả của các dự án xử lý nước thải đô thị.

Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ các dự án, quy hoạch, đầu tư công nghiệp, nông nghiệp, y tế, làng nghề, khai thác… với các quy định về đánh giá tác hại môi trường, tuân thủ quy định xây dựng hệ thống thải nước với hệ thống tiêu thoát nước một cách đồng bộ, không rời rạc, tránh ô nhiễm gia tăng và có chính sách tăng mức phí xả thải đối với các đối tượng xả thải… Cần tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm nước, tái sử dụng nước nhằm giảm thiểu lượng nước thải trực tiếp; song song với ý thức bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý cho các vấn đề quản lý và xử lý nước thải, cũng như đầu tư cải thiện vệ sinh môi trường. Trong đó, Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27/12/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh lực hạ tầng kỹ thuật trong Nghị định số 80/2014/NĐ-CP đã quy định rõ ràng về hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu dân cư nông thôn tập trung; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có các quy định cụ thể về đầu tư phát triển hệ thống thoát nước; quản lý, vận hành hệ thống thoát nước; đấu nối hệ thống thoát nước; giá dịch vụ thoát nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về thoát nước và xử lý nước thải…

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 5/5/2020 về quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; trong đó có những điểm mới về đối tượng chịu phí cũng như mức phí.

Trong đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải theo quy định đi kèm là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Trường hợp các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung và trả tiền dịch vụ xử lý nước thải cho đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo cơ chế giá dịch vụ thì đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung là người nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo quy định.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 cũng quy định cụ thể, chặt chẽ và được kỳ vọng sẽ củng cố thêm hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam về quản lý và xử lý nước thải trong tương lai. Theo đó, các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các cơ quan liên quan có trách nhiệm quản lý, đốc thúc, tuyên truyền về thu gom, phân loại và xử lý nước thải đô thị. 

Theo moitruongvadothi.vn