Kinh tế xanh

Hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh

Thứ tư, 31/5/2023 | 11:19 GMT+7
Ngày 30/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng cho biết, kể từ Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ đang nỗ lực chuyển từ mô hình dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn carbon thấp…; đồng thời phục hồi tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái tự nhiên.

Trong đó, Chiến lược tăng trưởng xanh đã tiếp cận bài bản trong phát triển bền vững với nguyên lý phát triển kinh tế gắn với môi trường và công bằng xã hội. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh cần giải quyết các "bài toán" liên ngành, liên vùng trong tăng trưởng xanh, nhằm đạt được đồng thời các mục tiêu của từng ngành, từng vùng, của quốc gia và toàn cầu.

Phó Thủ tướng cho biết, việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xanh đã được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có những nỗ lực kêu gọi đầu tư cho các hành động khí hậu, thu hút nguồn tài chính xanh từ Hội nghị COP26, thu hút nguồn lực cho chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh

Theo đánh giá từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng xanh nhờ những lợi thế từ khả năng dự trữ carbon lớn từ nguồn tài nguyên rừng, tiềm năng lớn từ phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam tận dụng những lợi thế để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững.

Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ý kiến, góp ý về vấn đề thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, vấn đề tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong xây dựng các luật, văn bản dưới luật về đất đai, tài nguyên nước, địa chất, khoáng sản… Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến giảm phát thải trong chuyển đổi năng lượng công bằng, xây dựng bộ tiêu chí về dự án xanh, đầu tư xanh, tài chính xanh và các chính sách ưu đãi kèm theo.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục rà soát tổng thể, cập nhật nội dung về tăng trưởng xanh khi xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện các khung chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các lĩnh vực tăng trưởng xanh; xây dựng chế tài xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái…

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần hình thành nhận thức, văn hóa, đạo đức đối với tăng trưởng xanh. Cụ thể, cần xác định một số dự án thí điểm mang tính liên ngành như pháp luật, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số để giải quyết các "bài toán" về công nghệ, làm cơ sở cho các lĩnh vực mũi nhọn về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, một số lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn như nông nghiệp, giao thông, năng lượng hóa thạch… trong tương lai

Các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng bộ công cụ, tiêu chí, quy chuẩn có tính pháp lý để phân loại, đánh giá hiệu quả, khuyến khích, giám sát các hoạt động tăng trưởng xanh về kinh tế, môi trường, xã hội… hình thành nhận thức, văn hóa, đạo đức xã hội đối với tăng trưởng xanh.

Về nguồn lực, cơ chế tài chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm đủ nguồn vốn đầu tư tăng thêm (từ Nhà nước, các định chế tài chính, khu vực tư nhân) dành cho công nghệ, nhân lực, khắc phục tác động xã hội đến người lao động… khi chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh.

Mặt khác, Phó Thủ tướng cũng lưu ý vai trò quan trọng của kinh tế số trong dẫn dắt phát triển xanh, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế giúp giảm áp lực lên tài nguyên, môi trường.

Bảo Ngọc (T/H)