Nông nghiệp sạch

Hợp tác công tư phát triển nghề nuôi tôm bền vững

Thứ hai, 4/3/2024 | 10:34 GMT+7
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam về thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Biên bản hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng, toàn diện hơn trên cơ sở những dự án chung về phát triển ngành tôm bền vững do hai bên phối hợp thực hiện.

Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên tăng cường hợp tác trong các hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ, tư vấn dịch vụ và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình đảm bảo tính hiệu quả, hướng tới cộng đồng nông dân, thúc đẩy phát triển bền vững nghề nuôi tôm, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Hợp tác phát triển nghề nuôi tôm bền vững

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, để tăng cường nguồn lực và đưa ra giải pháp hiệu quả, các đối tác công - tư cần tìm cách khai thác nguồn lực trong lĩnh vực khuyến nông và đưa thông tin đến gần hơn với nông dân. Mục tiêu của hợp tác công - tư lĩnh vực khuyến nông là hỗ trợ người sản xuất. Đối với lĩnh vực nuôi tôm, khuyến nông cần tập trung hỗ trợ bà con tiếp cận những giải pháp tiên tiến, hữu ích nhất từ các cơ quan chức năng và tổ chức quốc tế.

Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Grobest International chia sẻ, ngành tôm đang đối mặt nhiều thách thức như môi trường nuôi chưa đảm bảo, gián đoạn nguồn cung nguyên liệu, cạnh tranh thị trường… Nếu các doanh nghiệp trong nước thiếu sự phối hợp thì sẽ khó đưa thương hiệu ngành tôm Việt Nam đi xa.

Thông qua bản ghi nhớ, Grobest International hy vọng hai bên sẽ đẩy mạnh áp dụng các giải pháp toàn diện, giảm thất thoát nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải và tăng thu nhập cho người dân, qua đó cùng nhau đạt các mục tiêu phát triển bền vững cho ngành tôm.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, nếu chúng ta thành công nhân rộng các mô hình nuôi tôm thông minh, giảm phát thải thì các thành viên của Hội Thủy sản Việt Nam sẽ hưởng lợi. Ngược lại, Hội cũng sẽ giúp các tập đoàn lớn tiếp cận nguồn nguyên liệu, đặc biệt thông qua việc kết nối các thành viên của Hội, hợp tác xã và các trang trại lớn.

Hình thức đối tác công - tư (PPP) kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Nhóm Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam có 8 nhóm công tác PPP ngành hàng gồm cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, gia vị và hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp được thành lập và hoạt động với sự tham gia của 120 tổ chức.
Ngọc Mai (T/H)