Hiện nay, thế giới sản xuất khoảng 524 triệu tấn gạo mỗi năm. Gạo là nguồn lương thực chính, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Ngành lúa gạo cũng là nguồn cung cấp việc làm quan trọng cho người nghèo ở nông thôn.
Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo tạo ra 4,3% lượng khí thải nhà kính trong hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu và 16% lượng khí thải metan trong nông nghiệp. Metan là loại khí nhà kính tồn tại trong thời gian ngắn và có tác động lớn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu. Do đó, việc giảm phát thải metan từ hoạt động sản xuất lúa gạo có thể tác động nhanh chóng đến việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu thế giới. Việc giảm phát thải trong ngành lúa gạo có đóng góp đáng kể đối với công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/9/dien-dan-canh-tac-lua-20240909160858042.jpg)
Diễn đàn khu vực về canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan
Diễn đàn khu vực về canh tác lúa phát thải thấp - Hiện thực hóa tầm nhìn trên quy mô cảnh quan nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo sự đồng thuận và tìm kiếm những giải pháp khả thi để ứng phó với các thách thức trong quá trình phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững trên những cảnh quan khác nhau.
Diễn đàn quy tụ hơn 120 đại biểu, trong đó có 70 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia thành viên Chương trình tác động đến hệ thống lương thực thực phẩm, sử dụng đất và phục hồi (FOLUR) như Anh, Ấn Độ, Bangladesh, Benin, Bhutan, Burkina Faso, Canada, Congo, Chad, Indonesia, Hoa Kỳ, Kenya, Nigeria, Nhật Bản, Pakistan, Pháp, Philippines, Trung Quốc, Tanzania, Thái Lan, Sri Lanka, Australia, Italia, Việt Nam, cũng như đại diện từ các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan.
Diễn đàn diễn ra từ ngày 9 - 12/9 tại Hà Nội với 3 ngày họp tại Hà Nội và 1 ngày đi thực tế tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định để tìm hiểu về chuỗi giá trị, sản xuất lúa gạo bền vững, phát thải thấp.
Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Campuchia, Lào cho biết, hỗ trợ của WB cho các dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã đạt được những kết quả đáng kể tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện ở Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, lợi nhuận tại các mô hình thí điểm trồng lúa chất lượng cao đã tăng 30% trong khi chi phí sản xuất giảm 25% và lượng carbon giảm khoảng 1,5 triệu tấn. Điều này cho thấy mô hình trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp có thể đảm bảo sự thay đổi mang tính cách mạng đối với hoạt động sản xuất lúa, đồng thời thu hút sự tham gia của tư nhân trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, để thực hiện thành công Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, Việt Nam cần có nỗ lực rất lớn, không chỉ từ các cơ quan phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện. Tiếp cận tài chính trở thành yếu tố then chốt giúp nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo có thể đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tài chính để đầu tư vào nông nghiệp. Vì vậy, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ, hợp tác từ nhiều đối tác, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển nông nghiệp bền vững, phát thải thấp.
Để xây dựng cảnh quan bền vững cho con người và hành tinh, Chương trình tác động đến hệ thống lương thực thực phẩm, sử dụng đất và phục hồi (FOLUR) trị giá 345 triệu USD sẽ kéo dài 7 năm nhằm mục đích cải thiện tính bền vững của những vùng cảnh quan sản xuất lương thực cho thế giới. Với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình FOLUR có vị thế quan trọng để cải thiện tính bền vững của chuỗi giá trị lương thực thực phẩm. |