Nông nghiệp sạch

Sơn La: Vận động người dân canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế

Thứ tư, 28/8/2024 | 16:55 GMT+7
Tỉnh Sơn La sẽ triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, giá trị cà phê của tỉnh theo tiêu chuẩn xanh và bền vững.

Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh và bền vững do Hội Cà phê Sơn La tổ chức ngày 27/8.

Sơn La hiện có trên 21.000ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La; sản lượng hàng năm ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Trong đó, diện tích cà phê được cấp các chứng nhận bền vững (RA, 4C, VietGAP) và tương đương là trên 18.500ha; 97ha cà phê đặc sản; 2 vùng sản xuất cà phê được UBND tỉnh cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000ha.

Vùng trồng cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh 

Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La Vương Văn Hải cho biết, ngành cà phê của Sơn La đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, mùa mưa tại địa phương đã gây xói mòn rửa trôi đất, làm giảm độ phì đất. Mùa khô gây hạn hán, rét đậm, rét hại, đặc biệt là sương muối ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cà phê và đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, một phần diện tích cà phê trồng từ những năm 1990 đến nay đã già cỗi, quả nhỏ, năng suất, chất lượng không cao, cần tái canh bằng những bộ giống mới. Công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chế biến cà phê vẫn chưa tốt, công nghệ chế biến còn thô sơ, không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, thế mạnh của tỉnh là sản xuất chế biến nông sản song công tác quy hoạch, đầu tư các cụm công nghiệp có hoạt động chế biến nông sản gắn với hệ thống xử lý môi trường còn hạn chế. Các cơ sở chế biến đa số hình thành tự phát, không được đầu tư bài bản về hệ thống xử lý chất thải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về giải pháp sản xuất cà phê thích ứng với quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu; giải pháp phát triển sản xuất, chế biến cà phê theo chuỗi kinh tế tuần hoàn xanh và bền vững; giải pháp phát triển sản xuất cà phê hữu cơ; thực trạng xử lý môi trường trong các nhà máy chế biến cà phê...

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công ghi nhận những kết quả mà ngành cà phê Sơn La đạt được trong thời gian qua. Đồng thời yêu cầu các Sở, ngành, huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng biện pháp canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cụ thể, trong công tác bảo vệ môi trường, các địa phương, cơ quan cần tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp. Duy trì các tổ công tác giám sát công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung; yêu cầu các cơ sở thực hiện đúng, đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường. Giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân và cơ quan truyền thông về ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững thương hiệu, tiến tới khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.

Khả Như (T/H)