Nông nghiệp sạch

Kỳ vọng cấu trúc lại hệ sinh thái của ngành nông nghiệp qua đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ ba, 27/8/2024 | 16:07 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức buổi gặp mặt đoàn đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030.

Tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là một cuộc cách mạng về sản xuất lúa gạo. Thông qua đề án, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ triển khai nhiều công việc đồng bộ từ hạ tầng, phương thức canh tác, cơ giới hóa… tiên tiến, hiện đại. Đồng thời tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, thương lái để giảm rủi ro về giá cả, thị trường.

Hiện Bộ NN&PTNT phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng 7 mô hình thí điểm đề án tại 5 tỉnh ĐBSCL. Trên cơ sở kinh nghiệm đúc rút được, Bộ sẽ ban hành sổ tay hướng dẫn, chỉ rõ những tiến bộ kỹ thuật cần áp dụng để phát triển rộng rãi mô hình trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Quang cảnh buổi gặp mặt đoàn đại biểu Quốc hội của 12 tỉnh, thành phố thuộc vùng triển khai đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng nêu một số khó khăn của đề án. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc kêu gọi nguồn vốn thực hiện, khoảng 3 tỷ USD. Con số này sẽ được chi cho hạ tầng, thủy lợi, nâng cao kỹ năng, hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương. Dự kiến 60% là nguồn vốn xã hội hóa, còn lại khoảng 1,2 tỷ USD sẽ được huy động tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chưa đề cập đến vấn đề hạ tầng thủy lợi, kho bãi. Bộ NN&PTNT cần chỉ rõ thêm cơ chế phối hợp giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau. Ngoài ra, người dân tại ĐBSCL còn thiếu hiểu biết về công nghệ, tri thức, không am hiểu thị trường. Nguồn nhân lực, chuyên gia nông nghiệp ở hầu hết địa phương trong vùng còn yếu, thiếu cả về trình độ và số lượng. Do đó, khả năng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để đạt mục tiêu giảm phát thải sẽ gặp rào cản. Ông Thạch Phước Bình đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT có thêm những đánh giá tác động môi trường bởi ĐBSCL vốn là một vùng rất nhạy cảm với biến đối khí hậu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu của 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ gói gọn trong phạm trù kinh tế mà còn được kỳ vọng sẽ cấu trúc lại hệ sinh thái của cả ngành nông nghiệp, bao gồm phương thức canh tác của người dân, hệ thống thương lái, tổ chức liên kết trong hợp tác xã... 

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây không những là 1 đề án kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất mà còn là cơ hội để các bên đánh giá lại khả năng sản xuất của vùng nông nghiệp trọng điểm ĐBSCL trên góc nhìn của ngành hàng lúa gạo.

Thông qua cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các đại biểu Quốc hội cùng góp phần lan tỏa, truyền tải được tinh thần của đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tới người dân, địa phương. Từ đó xây dựng lại cơ chế hoạt động của ngành hàng lúa gạo với người nông dân làm trung tâm.

Linh Giang (T/H)