Kinh tế xanh

Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu

Chủ nhật, 3/12/2023 | 15:06 GMT+7
Nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu tại Dubai (UAE).

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, toàn dân nên phải có cách tiếp cận, phương thức tương xứng, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực.

Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, nhiều vấn đề còn gặp khó khăn khi chuyển nền kinh tế từ bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, Việt Nam vẫn cam kết quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" đến năm 2050 để bảo vệ thế giới lâu dài, do đó Việt Nam cần được hỗ trợ hoàn thiện thể chế, công nghệ, tài chính, quản trị, nguồn lực.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành chiến lược chống biến đổi khí hậu vào 2050, chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch điện VIII, xây dựng chương trình 1 triệu ha lúa năng suất cao ít phát thải, phát triển nông nghiệp xanh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các tổ chức doanh nghiệp xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, hành động mới; có tư duy phương pháp luận, cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề hiệu quả; phát triển quan hệ hợp tác đối tác chặt chẽ, hiệu quả, huy động nguồn lực hợp tác công - tư để có nguồn tài chính; đào tạo nguồn nhân lực, góp phần đổi mới quản trị phát triển hạ tầng số để phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, cơ chế, chính sách và cách tiếp cận giải quyết vấn đề thực tiễn phải thông thoáng; hạ tầng chiến lược thông suốt; quản trị phải thông minh, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Bill Winters đánh giá, Việt Nam có những hoạt động có tính khả thi cao. Standard Chartered vui mừng hợp tác cùng Việt Nam trong tiến trình này. Trong đó, hoạt động đầu tư kinh tế số giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn, người dân phát triển đời sống và tạo công ăn việc làm, mời gọi nhà đầu tư khác vào Việt Nam. Phát triển kinh tế xanh, xây dựng chính sách năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sử dụng nhiều hơn năng lượng hhydro để thân thiện môi trường hơn trong quá trình chuyển đổi. Xây dựng cơ chế, đền bù cho người dân khi nỗ lực hướng tới cam kết phát thải ròng bằng "0", cùng phát triển và tăng trưởng tạo nhiều công ăn việc làm, hàng hóa xuất khẩu giúp cho đời sống nhân dân Việt Nam được cải thiện...

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự trao văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế tại Hội nghị COP28. 9 thỏa thuận hợp tác gồm: bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới; bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Tập đoàn Sovico; bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và Green Solutions; bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và GuarantCo; bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và BIDV; bản ghi nhớ hợp tác giữa Vietinbank và MUFG; bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng Standard Chartered và PAN; bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Honeywell và The Green Solutions Việt Nam.

Ngọc Mai (T/H)