Theo đó, nhằm tăng cường khả năng đáp ứng của các đơn vị thuộc ngành VHTT&DL trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Kế hoạch đề ra những nhiệm vụ quan trọng như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền đối với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên với phương châm phòng ngừa là chính.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” và công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan, tránh sự chồng chéo, xung đột và bổ sung các quy định mới, bảo đảm sự thống nhất khi triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hoàn thiện cơ chế, tổ chức để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; xây dựng chính sách đặc thù cho lực lượng làm công tác này; điều chỉnh, lồng ghép nội dung về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành VHTT&DL theo hướng kết hợp đa mục tiêu, qua đó, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai khi triển khai thực hiện.
Đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các điểm, khu du lịch
Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao sự phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan về năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, quy định đánh giá rủi ro thiên tai cho phù hợp. Hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách, đa dạng hóa việc huy động và sử dụng nguồn lực, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai các cấp, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Song song với đó là nâng cao vai trò, năng lực quản lý Nhà nước của cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành theo hướng chuyên trách trên cơ sở củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý tập trung, thống nhất; hoàn thiện mô hình, tổ chức lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bao gồm các lực lượng thường trực, chuyên trách, kiêm nhiệm và dự bị, đạt 100% cán bộ thường trực và chuyên trách được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Mặt khác, chú trọng cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ văn hóa, thể thao, du lịch và trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc tại các địa phương thường xuyên chịu sự ảnh hưởng của thiên tai và đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng đáp ứng hiệu quả các nhu cầu về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành VHTT&DL; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua các phương tiện thông tin...
Để thực hiện tốt Kế hoạch, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ VHTT&DL sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở VHTT&DL, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đặt ra.