Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện xây dựng môi trường văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 76/KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; cụ thể hóa các nhiệm vụ được phân công theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở; Quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Theo đó, kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025. Bao gồm: tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị, cơ quan công sở, doanh nghiệp… lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ để văn hóa thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa hệ giá trị gia đình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Xây dựng môi trường văn hóa gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị lành mạnh, phong phú
Tổng kết và nhân rộng các mô hình văn hóa, mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng góp phần củng cố môi trường sống nề nếp, văn minh, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua về văn hóa; tập trung nâng cao chất lượng bình chọn, xét tặng các danh hiệu thi đua ở cơ sở cho gia đình, thôn, làng, ấp, bản, xã, phường, thị trấn, tổ dân phố...
Chỉ đạo và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội thiết thực, hiệu quả, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc và thuần phong, mỹ tục của từng địa phương nhằm tôn vinh, đề cao những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng của dân tộc, những giá trị văn hóa của cộng đồng, gia đình Việt Nam. Bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể làm nền tảng tinh thần và động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò, đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Bộ VHTT&DL cũng đề nghị Sở VHTT&DL; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương trong công tác xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng thực chất; thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục, thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa; siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.
Mặt khác, cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân; tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm văn hóa của các dân tộc, vùng, miền, góp phần giáo dục đạo đức, tạo dựng lối sống lành mạnh...