Nông nghiệp sạch

Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Thứ tư, 28/9/2022 | 15:05 GMT+7
Ngày 28/9, Diễn đàn Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến diễn ra tại TPHCM .

Diễn đàn là một trong những hoạt động nhằm đánh giá 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và triển khai Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.

Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu trực tiếp đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh những đại biểu tham dự trực tiếp, diễn đàn cũng thu hút sự tham gia trực tuyến của nhiều đại biểu tại hơn 200 điểm cầu, để cùng trao đổi về tình hình kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến.

Bộ NN&PTNT cho biết, sau 3 năm thực hiện đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, hiện đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và đang tiếp tục lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Định hướng phát triển các phẩm nông nghiệp hữu cơ

Cụ thể, năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đạt trên 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ chiếm hơn 63.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là hơn 100.000ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, với hơn 17.000 nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu nông nghiệp hữu cơ…

Đặc biệt, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp. Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại địa phương ngày càng nhiều, giúp diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống.

Bên cạnh đó, nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng được nâng lên.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn hạn chế trong phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ. Bao gồm: thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn; các sản phẩm hữu cơ tiêu thụ tập trung tại các kênh phân phối hiện đại và phục vụ thị phần nhỏ khách hàng trung và cao cấp; vẫn còn sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm “hữu cơ tự xưng” khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng bị nhầm lẫn.

Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao nên chưa thu hút được sự quan tâm, chấp nhận của người tiêu dùng trong nước. Công tác quản lý thị trường đối với sản phẩm hữu cơ và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất hữu cơ có nhiều bất cập...

Với thông điệp “Thức tỉnh – Kết nối – Lan tỏa”, Diễn đàn Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến được kỳ vọng là dịp để các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cùng thảo luận, chia sẻ để có hướng giải pháp đúng đắn cho ngành nông nghiệp sạch trong tương lai.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: Xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất và nông sản hữu cơ cần được đứng ở vị trí dẫn dắt như tiêu chuẩn mà nền nông nghiệp nên hướng tới. Vì vậy, trước mắt cần khuyến khích các loại thực phẩm an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết.

Các đơn vị đang sản xuất hay kinh doanh nông sản và thực phẩm hữu cơ đều thống nhất kiến nghị tại buổi làm việc: Hãy giữ vững niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam.

Ngoài ra, cần đề cao ý thức, trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm về an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong nhân dân, doanh nghiệp, vì lợi ích cho mình và cho nền kinh tế nói chung. Đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được sản phẩm an toàn, sạch và hữu cơ khác nhau thế nào, cần cho ai, như thế nào.

Khả Như