Kêu gọi bảo vệ tài nguyên nước nhân Ngày Lương thực thế giới

Thứ hai, 16/10/2023 | 17:30 GMT+7
Nhân Ngày Lương thực thế giới (16/10) năm 2023, ông Khuất Đông Ngọc, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) có thông điệp đặc biệt về việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên nước - nguồn tài nguyên quý giá của hành tinh.

Theo Tổng giám đốc FAO, tài nguyên nước duy trì sự sống trên trái đất. Nước bao phủ phần lớn bề mặt hành tinh, chiếm hơn 50% cơ thể con người, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Gìn giữ nước chính là chìa khóa để các quốc gia trên toàn thế giới đạt các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Tuy nhiên, nguồn nước sinh hoạt và hệ thống thủy lợi trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng bị ô nhiễm, chịu tác động của biến đổi khí hậu. Hai thập kỷ qua, trái đất đã mất 1/5 lượng nước ngọt sẵn có, thậm chí nhiều vùng đã mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có. Nếu không hành động ngay, toàn thế giới sẽ mất 1/3 lượng nước ngọt sẵn có, dựa trên sự gia tăng dân số hiện nay.

Ông Khuất Đông Ngọc thông tin thêm, dân số thế giới tăng nhanh, đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu đều gây thiệt hại cho tài nguyên nước. Cùng với đó, ô nhiễm nước, khai thác không kiểm soát, thiếu phối hợp trong quản lý đa lĩnh vực, đa quốc gia cũng tạo ra nhiều thách thức chồng chéo. Mặt khác, các hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán và lũ lụt gia tăng đang đe dọa hệ sinh thái, gây nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, trong đó nông hộ nhỏ, người nghèo, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc, di cư, tị nạn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. 

Tôn vinh tài nguyên nước trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu

Để giải quyết những thách thức chồng chéo này, trước tiên phải đảm bảo đủ nước cho nông nghiệp, điều hòa nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế khác. Quản lý vận hành nguồn nước là yếu tố tiên quyết, giúp cấp phát nước bền vững và công bằng thông qua cách tiếp cận vĩ mô, toàn diện. Chính phủ các nước cần thúc đẩy và đảm bảo khả năng tiếp cận nước sạch, an toàn thông qua quản lý nguồn tiêu thụ nước, định giá hợp lý, xây dựng chính sách, biện pháp đo lường, vận động các bên liên quan cùng tham gia...

Đồng thời, cần đầu tư cho giải pháp quản lý nước hiệu quả, tân tiến, bao gồm công nghệ tưới tiêu và dự trữ nước, cũng như các giải pháp dựa trên cơ sở khoa học để giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm tác động thiên tai, lũ lụt; phải xây dựng một xã hội kiên cường, hiểu được mối quan hệ giữa nước, thực phẩm, năng lượng để sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Về phía FAO, ông Khuất Đông Ngọc chia sẻ, Tổ chức đã và đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên. Ví dụ, ở vùng Sahel, FAO đang cung cấp kỹ thuật cơ giới hóa cho nông dân để cải thiện cơ sở hạ tầng nước, hỗ trợ phụ nữ nông thôn và các hộ gia đình tiếp cận nước sạch.

Đối với nước tưới tiêu, FAO đang phát triển bản đồ tưới tiêu toàn cầu, xác định những địa phương cần sử dụng hệ thống thủy lợi. Mong rằng sẽ được hợp tác với các quốc gia để tiếp tục mở rộng dự án.

Các cơ chế tài chính và đầu tư thích hợp ở quy mô lớn cũng là chìa khóa để xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng nước. Các giải pháp ứng phó, chống chịu cũng quan trọng không kém. Do đó, cần ưu tiên xây dựng hạ tầng xanh, vừa thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thủy sản vừa nâng cao chất lượng nước và bảo vệ đa dạng sinh học. 

Tổng giám đốc FAO nhấn mạnh, tương lai trong tầm tay. Chúng ta phải đi cùng nhau làm nhiều hơn nữa, kết nối tất cả các bên liên quan, khuyến khích sự tham gia đa lĩnh vực. Chính phủ các nước cần xây dựng chính sách dựa trên cơ sở khoa học, tận dụng dữ liệu lớn; đổi mới, phối hợp liên ngành để quản lý nước tốt hơn. Hiểu mối liên hệ chặt chẽ giữa nước, năng lượng và thực phẩm, qua đó xây dựng kế hoạch hành động. Quan trọng là chúng ta cần dung hòa những nhân tố có tính cạnh tranh, không để lợi ích của nhóm nhỏ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái.

Cùng với đó, người nông dân cần hiểu cách quản lý nước bền vững và được trang bị các công cụ phù hợp. Các nhà quản lý cần hỗ trợ, khuyến khích người nông dân chủ động tìm hiểu, thực thi nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước sạch. Doanh nghiệp cần chung tay quản lý nước, phải đưa ra cam kết cụ thể để cải thiện hiệu quả sử dụng nước, giảm ô nhiễm trên toàn chuỗi cung ứng. Quản lý nước nghiêm túc có thể nâng cao uy tín và lợi nhuận cho doanh nghiệp, giúp họ tránh được những rủi ro về khan hiếm nước, lũ lụt, ô nhiễm.

Cuối cùng, ông Khuất Đông Ngọc khẳng định lại, tất cả chúng ta cần ngừng coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn. Thay vào đó, hãy nhìn nhận sáng suốt về cách chúng ta sử dụng, chung tay tiết kiệm nước, đóng góp ngăn chặn, giảm thiểu tác động của thiên tai, hạn hán. Con người chính là trọng tâm của mục tiêu “4 điều tốt hơn” của FAO - sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau...

Thanh Bảo (Theo FAO)