Văn hóa, du lịch

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm: Tăng cao nhất từ trước đến nay cả giá trị tuyệt đối lẫn tốc độ tăng trưởng

Thứ bảy, 15/4/2017 | 02:14 GMT+7
Trong đó, khách quốc tế đi bằng đường hàng không đạt 2,63 triệu lượt, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2016; khách đi bằng đường biển đạt trên 1120.000 lượt, tăng 66% và khách đi bằng đường bộ chỉ tăng 7,6%, đạt 468.000 lượt.

Du khách Châu Âu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái

Có thể nói, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế hiện nay của chúng ta rất lạc quan và kỳ vọng có thể tạo ra bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của ngành. Bên cạnh đó, việc Chính phủ thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) từ 1.1.2017 thời hạn 2 năm cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã góp phần lớn vào việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Các thị trường tăng trưởng mạnh nhất là khu vực Đông Bắc Á: Trung Quốc (tăng 64%), Hàn Quốc (tăng 29%), Đài Loan (tăng 22%), Nhật Bản (tăng 5%). Khách du lịch quốc tế từ Đông Bắc Á đạt hơn 1,8 triệu lượt, chiếm 57% tổng lượng khách du lịch quốc tế, so với 53% cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân tăng trưởng đối với thị trường Trung Quốc là do điểm đến Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của khách du lịch Trung Quốc, sự liên kết giữa thị trường, các hãng hàng không và điểm đến ngày càng chặt chẽ khiến việc tổ chức khai thác thị trường hiệu quả hơn. Ngoài ra, Trung Quốc ra lệnh cho các công ty lữ hành ngừng đưa khách du lịch đến Hàn Quốc; khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan có xu hướng chậm lại là những điều kiện thuận lợi cho du lịch Việt Nam.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, điểm đến Việt Nam ngày càng được biết đến thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá và giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa với Việt Nam, góp phần gia tăng khách du lịch đi lại nhiều lần.

Hàn Quốc là thị trường đưa khách đến Việt Nam lớn thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc. Năm 2016, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu lượt, chiếm 15% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng khách Hàn Quốc tiếp tục tăng cao, đạt trên 500.000 lượt và được dự báo sẽ đạt mức 2 triệu lượt năm 2017.

Mặc dù đạt trên 200.000 lượt khách đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017, đứng thứ 3 trong số các thị trường đưa khách đến Việt Nam đông nhất nhưng tốc độ tăng trưởng khách du lịch từ Nhật Bản đến Việt Nam khó có thể đạt mức cao hơn do quy mô thị trường đã ổn định, các điều kiện thuận lợi không có sự đột biến.

 Trong khi đó, khách ở thị trường châu Âu cũng tăng trưởng mạnh, nhất là các thị trường được miễn thị thực nhập cảnh từ tháng 7.2015 và thị trường Nga. Tổng lượng khách du lịch từ 5 nước được miễn thị thực gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý đến Việt Nam trong quý I năm 2017 đạt hơn 240.000 lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, là mức cao đối với thị trường xa, trong đó thị trường Tây Ban Nha tăng 23%, Ý tăng 13%, Đức 13%, Pháp 11%, Anh 9%.

Thị trường Nga là thị trường lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu cũng đạt mức tăng cao hàng đầu (61%). Ngoài ra, các thị trường quy mô nhỏ hơn khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể như Thụy Điển (tăng 27%), Hà Lan (tăng 20%), Bỉ (tăng 11%), Phần Lan (tăng 11%), Đan Mạch (tăng 9%). Thị trường châu Âu chiếm 16% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với số lượng tuyệt đối gần 501.000 lượt, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2016.

Các thị trường chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, châu Đại dương và châu Mỹ phục hồi và duy trì tăng trưởng, tiêu biểu là các thị trường Campuchia (tăng 35%), Lào (tăng 33%), Malaysia (tăng 20%), Philippi¬nes (tăng 18%), Thái Lan (tăng 18%), Indonesia (tăng 14%), Canada (tăng 16%), Mỹ (tăng 9%), New Zealand (tăng 21%).

Nguyên nhân tăng trưởng cao đối với các khu vực thị trường này do liên kết trong ASEAN ngày càng chặt chẽ, thông tin, giao lưu, đi lại thuận lợi; hãng hàng không Air New Zealand mới mở đường bay thẳng nối Auckland với TP.HCM; Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư và khách du lịch Mỹ, Canada.

Tóm lại, trong 3 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế đến tăng khá đều ở tất cả các thị trường. Tuy nhiên, trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 (Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF vừa công bố), Việt Nam được lưu ý cải thiện mạnh mẽ hơn nữa các chỉ số để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam với thế giới. Trong đó, chỉ tiêu Chính phủ cho ngành Du lịch hạng 114/ 136 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng; chất lượng hạ tầng du lịch hạng 113/ 136; chiến lược thương hiệu quốc gia hạng 107/ 136.

Nguồn: Báo Văn Hóa