Khởi động Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học

Thứ năm, 8/12/2022 | 00:14 GMT+7
Từ ngày 7 - 19/12, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (COP15) được tổ chức nhằm thảo luận về thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu, hướng đến bảo vệ hệ sinh thái và các loài sinh vật khỏi những hành vi tàn phá của con người.

Theo báo cáo tại COP15, hơn 1 triệu loài hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng, biến mất với tốc độ chưa từng thấy. Trong khi đó, Đánh giá triển vọng đất đai toàn cầu năm 2022 của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, có tới 40% diện tích đất trên toàn cầu bị suy thoái.

Mặc dù các cuộc đàm phán về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc được tổ chức hai năm một lần, tuy không thu hút nhiều sự quan tâm như các cuộc đàm phán hàng năm của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu nhưng ngày càng có nhiều người nhận thức được việc bảo vệ thiên nhiên và kiểm soát biến đổi khí hậu phải đi đôi với nhau.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán về đa dạng sinh học cũng cho thấy, các hệ sinh thái lành mạnh như rừng và thảm cỏ biển là chìa khóa để kiểm soát sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ toàn cầu tăng lên đang ngày càng đe dọa nhiều hệ sinh thái cũng như các loài, nếu không thể thích nghi nhanh chóng hoặc di chuyển đến những nơi có khí hậu mát mẻ hơn.

Khai mạc Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc

Mặt khác, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các khoản đầu tư cho các dự án về đa dạng sinh học ngày càng ít và có quy mô nhỏ hơn, mặc dù một nửa nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên và dịch vụ gắn liền với hệ sinh thái tự nhiên. Dự tính, vào năm 2025, sẽ cần khoảng 384 tỷ USD mỗi năm cho các dự án liên quan đến thiên nhiên.

Ông Tony Goldner, Giám đốc điều hành của Lực lượng đặc nhiệm cung cấp các thông tin tài chính liên quan đến thiên nhiên cho rằng, thiên nhiên cần được coi là một loại tài sản và chúng ta cần đầu tư vào tài sản đó. Các hành động như cải thiện chất lượng đất, tăng cường mật độ cây xanh hoặc làm sạch các lưu vực nước đều mang lại lợi ích kinh tế.

Theo bà Eva Zabey, Giám đốc điều hành Business for Nature, Liên minh toàn cầu gồm các doanh nghiệp và tổ chức bảo tồn cho rằng, các Chính phủ cần có trách nhiệm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học vào năm 2030. Qua đây, bà kêu gọi một thỏa thuận quốc tế đầy tham vọng, rõ ràng và có thể thực thi tương tự như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong tương lai.

Dịp này, Liên Hợp Quốc hy vọng sẽ thuyết phục được tất cả các quốc gia cam kết bảo vệ 30% đất và biển vào năm 2030.

Ngoài ra, nhiều vấn đề cũng được đưa ra thảo luận tại hội nghị, điển hình là khung dự thảo hơn 20 đề mục từ các đề xuất giảm sử dụng thuốc trừ sâu, giải quyết các loài xâm lấn, cải cách hoặc loại bỏ các khoản trợ cấp có hại cho môi trường và tăng tài chính cho thiên nhiên từ cả các nguồn công và tư.

Theo các nhà đàm phán, khung dự thảo sẽ có nhiều vấn đề cần thảo luận như: đảm bảo các nước nghèo có đủ kinh phí cần thiết để khôi phục các khu vực bị suy thoái; nỗ lực hạn chế khí thải làm khí hậu nóng lên; ban bố thời hạn loại bỏ dần thuốc trừ sâu…

Đáng lưu ý, tại hội nghị, các chuyên gia cũng dự báo cam kết bảo vệ 30% đất và biển vào năm 2030 sẽ khó đạt được do một số quốc gia chứa các vùng đất hoặc đại dương rộng lớn có rất nhiều động vật hoang dã, trong khi những quốc gia khác thì không. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của từng khu vực.

Mặc dù nhiều công ty đang xem xét đầu tư cho đa dạng sinh học nhưng theo khảo sát của Tổ chức Phi lợi nhuận quốc tế về môi trường (CDP), chưa đến 50% trong số 7.700 công ty có động thái mới đối với vấn đề này trong năm 2022 và hầu hết vẫn không nhận thức được tác hại do chuỗi cung ứng của họ gây ra.

Hội nghị thượng đỉnh COP15 tuy có ít nhà lãnh đạo thế giới tham gia nhưng đây vẫn là chủ đề lớn, cấp thiết triển khai trong thời gian tới. Trong những ngày tới, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ cùng thảo luận và thống nhất đưa ra các cam kết, giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học chung.

Khánh An