Bản tin môi trường số 47/2022

Thứ hai, 5/12/2022 | 09:50 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà vừa tiếp đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam để cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác về môi trường và phát triển bền vững.

Trao đổi hợp tác với Ngân hàng Thế giới trong lĩnh vực môi trường

Tại buổi làm việc, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk cho biết, Việt Nam là quốc gia cam kết mạnh mẽ thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như chuyển đổi năng lượng. Phía WB có nguồn lực tài chính dành cho Quỹ Biến đổi khí hậu và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để hoàn thành các mục tiêu phát triển.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Theo đó, phía WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để quản lý tổng hợp tài nguyên nước và đưa vào chương trình hợp tác trong thời gian tới; hỗ trợ các chương trình xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học… cho Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn cá nhân bà và WB Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động, dự án hợp tác giữa Việt Nam với WB và các đối tác trong lĩnh vực quản lý đất đai, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước, cùng WB xây dựng được các chính sách hài hòa, công bằng và đem lại lợi ích với mọi người dân.

Việt Nam cũng rất cần được hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển và cộng đồng quốc tế. Do đó, với nguồn vốn tài chính hiện có của WB dành cho biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT sẽ báo cáo lên Chính phủ để xây dựng các dự án hợp tác.

Hợp tác môi trường với đối tác châu Âu

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa làm việc với ông Virginijus Skinkevicious, Cao ủy, Ủy ban châu Âu về môi trường, đại dương và ngư nghiệp, nhân chuyến thăm Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh 2022.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ về những mục tiêu, vấn đề ưu tiên của Việt Nam trong quá trình thực hiện những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) và Công ước đa dạng sinh học (CBD) trong thời gian sắp tới, cũng như thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với Cao ủy, Ủy ban châu Âu về môi trường, đại dương và ngư nghiệp

Qua đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải có sự thay đổi tư duy quản lý trong công tác bảo tồn để tạo ra những giá trị mới, trong đó phải luôn song hành vấn đề bảo tồn gắn với phát triển và phát triển để bảo tồn. Do đó, Bộ trưởng mong muốn phía Liên minh châu Âu ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.

Về bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, ngoài cam kết của các nhà lãnh đạo, cần có các sáng kiến, giải pháp căn cơ cho những thách thức đang hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhân loại hiện nay. Trong đó, Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020 là một trong những giải pháp tổng thể và toàn diện mà Việt Nam và các quốc gia đang hướng tới.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Virginijus Skinkevicious cho biết thêm, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) đã tạo cơ hội cho các quốc gia thực hiện các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cam kết đảm bảo xây dựng, thông qua và thực hiện có hiệu quả Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 nhằm đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay.

Với kinh nghiệm và tiềm lực của mình, Liên minh châu Âu sẵn sàng thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Việt Nam vì những mục tiêu chung mà hai bên cam kết hướng tới.

Nâng cao vai trò của kiểm toán trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Ngày 1/12, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo "Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước".

Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững.

Hội thảo "Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước"

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận với nhiều nội dung quan trọng như: thực trạng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới; kết quả kiểm toán công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2018 - 2022; kiểm toán môi trường và vai trò của Kiểm toán nhà nước; kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng và một số vấn đề đặt ra.

Qua đó, các đại biểu đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong hoạt động kiểm toán. Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; kế hoạch kiểm toán cần tiếp tục tập trung ưu tiên những vấn đề trọng yếu trong quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Việt Nga