Kinh tế xanh

Kiểm soát và báo cáo kiểm kê khí nhà kính, hướng tới hành trình net zero

Thứ hai, 18/12/2023 | 10:48 GMT+7
Việc mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 chính thức được đưa vào Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã khiến vấn đề kiểm soát, báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK) trở thành hoạt động bắt buộc của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Nam Trân, Giám đốc điều hành hoạt động chứng nhận và dịch vụ SGS Việt Nam tại Hội thảo kỹ thuật về phát triển bền vững với chủ đề “Giải pháp ESG: Hành trình net zero và tín chỉ carbon” diễn ra tại Hà Nội vừa qua. Hội thảo do Tổ chức Chứng nhận SGS Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu (CEPVN) tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Nam Trân cho biết, kể từ khi mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 được chính thức đưa vào Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, việc kiểm soát và báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK) đã trở thành một hoạt động bắt buộc của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, các cơ sở, lĩnh vực thuộc danh mục của Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã và đang tìm hiểu, thực hiện hoạt động cần thiết để đo lường, kiểm kê và báo cáo KNK theo quy định. Tuy vậy, ở cấp độ doanh nghiệp, đây vẫn là một vấn đề tương đối mới và rất cần những hướng dẫn kỹ thuật để tuân thủ thực hiện.

Trong bối cảnh thị trường carbon trong nước bắt đầu thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028, vấn đề trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon cũng đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp xanh, giảm phát thải, đồng thời nhận lại những giá trị thực tế từ các tín chỉ carbon này.

Quan trắc, kiểm kê khí thải nhà kính tại Việt Nam

Với mục tiêu cung cấp những thông tin cần thiết giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược kiểm soát phát thải KNK, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, SGS Việt Nam kỳ vọng thông qua sự kiện, các cơ quan nhà nước, tổ chức, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi về những vấn đề kỹ thuật cụ thể trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính; cách thức tham gia thị trường carbon thông qua việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trì tín chỉ carbon; đồng thời tìm ra giải pháp toàn diện cho cam kết thực thi phát triển bền vững thông qua những chương trình chứng nhận ESG (sử dụng các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị để tạo báo cáo đánh giá tính bền vững các doanh nghiệp và quốc gia).

Trong hội thảo, các đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức đã trao đổi về hành trình hướng tới net zero, giảm phát thải KNK, vận hành thị trường carbon. Theo ông Tô Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam, Chiến lược giảm phát thải KNK và net zero đề cập đến Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone. Trong đó, bắt đầu từ năm 2024, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí KNK 2 năm 1 lần; đến năm 2026 cần phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026 - 2030 theo các quy trình được hoạch định như: thiết lập Ủy ban kiểm kê KNK; xác định yêu cầu, tiêu chuẩn cần áp dụng theo yêu cầu của doanh nghiệp; xác định ranh giới tổ chức, ranh giới báo cáo và xác định các KNK do tổ chức phát thải.

Ông Tô Thanh Sơn đánh giá, ESG giúp tăng giá trị doanh nghiệp, gia tăng dịch vụ đảm bảo chất lượng, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, giảm lượng phát thải CO2 trong toàn bộ chuỗi giá trị, chống tác động của biến đổi khí hậu…. Do đó, cần đưa ra giải pháp ESG trong việc cải thiện quản lý rủi ro, thu hút vốn đầu tư xanh, đổi mới và khả năng thích ứng, tạo tác động tích cực đến môi trường, đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu nhằm bảo tồn sự cân bằng sinh thái, tránh cạn kiệt tài nguyên. 

Thei ông Phạm Hồng Quân, nhà sáng lập và cố vấn chiến lược Trung tâm CEPVN, đối với thị trường carbon, việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là cơ sở để triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải KNK, từ đó xây dựng hoạt động trao đổi hoặc bù carbon cho lượng phát thải KNK vượt quá hạn ngạch được phân bổ theo Thỏa thuận Paris; Nghị định thư Kyoto; Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản qua cơ chế tín chỉ chung (JCM)… Theo đó, cần thành lập dự án tạo ra tín chỉ carbon theo từng lĩnh vực như thương mại, quản lý chất thải rắn, thị trường carbon rừng; xây dựng lộ trình thị trường carbon Việt Nam theo từng giai đoạn đến năm 2028 để có thể tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Lâm Bảo (T/H)