Văn hóa, du lịch

Kon Tum tập trung đầu tư cho phát triển ngành du lịch

Thứ ba, 26/10/2021 | 12:56 GMT+7
Trong không khí cả nước trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đầu tư, quan tâm hơn để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Kon Tum thu hút được 1.808.353 lượt khách đến thăm (trong đó, khách quốc tế đạt 645.130 lượt, khách nội địa đạt 1.163.223 lượt). Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng qua các năm tăng đều từ 65 - 75%.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng, trong đó khách sạn xếp hạng 3 sao có 2 đơn vị với 131 phòng; xếp hạng 2 sao 9 đơn vị với 303 phòng; xếp hạng 1 sao 45 đơn vị với 688 phòng. Tổng số lao động làm việc trong các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lưu trú lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh là 1.779 người.

Xuất phát từ lợi thế về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất đặc sắc, tỉnh Kon Tum đã xác định và phát triển những sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tôn giáo, du lịch văn hóa - lịch sử cách mạng, các loại hình du lịch thương mại - công vụ… tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch như ẩm thực, đồ mỹ nghệ...

Kon Tum có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch

Thời gian qua, UBND tỉnh đã công nhận 10 làng, điểm du lịch. Việc công nhận các điểm du lịch, tạo tiền đề cho việc đầu tư và thu hút đầu tư cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020, phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển du lịch tỉnh. Thông qua Đề án, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố ngày càng được cải thiện; hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch được xây dựng; cơ sở lưu trú tăng về số lượng, đảm bảo chất lượng. Một số dự án phát triển du lịch tiềm năng cũng được đầu tư và đưa vào khai thác, góp phần làm tăng lượng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum.

Sau thời gian bị gián đoạn do tình hình dịch bệnh Covid-19, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch Kon Tum trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần sớm tìm giải pháp khắc phục, từng bước phát triển, xây dựng thương hiệu du lịch Kon Tum mang tính đặc trưng riêng, vươn tầm trong nước và quốc tế. Trong đó, nâng cấp, cải thiện các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch quy mô nhỏ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đồng bộ, chuyên nghiệp hơn; đầu tư thêm cho nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; tập trung xây dựng, khai thác hiệu quả, sáng tạo các sản phẩm du lịch thế mạnh; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Gia Bách (T/H)