Trong Tuần lễ An ninh lương thực tại SOM3, đoàn Việt Nam do bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm trưởng đoàn đã tham dự nhiều hoạt động như: hội thảo kỹ thuật về tăng cường kiểm soát thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm, tăng cường vai trò giới trong chuỗi cung thực phẩm; chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp xanh trong khu vực APEC; diễn đàn đối tác công tư thúc đẩy an ninh lương thực khu vực; đối thoại chính sách cấp cao về công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
Đoàn cũng tham gia đóng góp tích cực vào cuộc họp của các Nhóm công tác APEC gồm: Nhóm công tác về kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG), Diễn đàn chính sách về an ninh lương thực (PPFS), Nhóm đại dương và nghề cá (OFWG), Nhóm công tác về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp (EGILAT), Nhóm công tác đối thoại chính sách cấp cao về công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB).
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/8/19/apec-20240819143352761.png)
Đoàn Việt Nam đã tham dự Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ 3
Ngày 18/8, trong khuôn khổ SOM3 còn diễn ra Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 9 về an ninh lương thực (FSMM). Sự kiện tập trung vào hai nội dung lớn: phòng ngừa, giảm thất thoát và lãng phí lương thực ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; vai trò của Chính phủ và khu vực tư nhân thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Thủy chia sẻ, phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực là một trong những trụ cột của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2030. Việt Nam ưu tiên phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, nông nghiệp phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với cải thiện sinh kế cho cư dân nông thôn.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết chuyển đổi hệ thống thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Đồng thời nhận thức rõ sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế APEC trong phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm để tạo ra những thay đổi sâu rộng trong toàn hệ thống. Việt Nam mong muốn phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC để thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và an ninh lương thực trong khu vực; thúc đẩy các nền kinh tế APEC cùng phát triển để trở thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua hai tài liệu: Các nguyên tắc phòng ngừa, giảm thất thoát và lãng phí lương thực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Tuyên bố Bộ trưởng tại Hội nghị An ninh lương thực APEC lần thứ 9.
Đại diện Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với việc thông qua 7 nguyên tắc quan trọng về phòng ngừa, giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị FSMM và cam kết tham gia cùng các thành viên APEC trong nỗ lực thực hiện các nguyên tắc này.
Các nguyên tắc có thể là tài liệu tham khảo tốt cho tất cả các nền kinh tế thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng để cải thiện việc kiểm soát thất thoát và lãng phí lương thực nhằm cải thiện sự sẵn sàng, ổn định về lương thực; giải quyết mọi thách thức về môi trường, bao gồm cả biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm và giúp đạt được hệ thống nông - lương bền vững, phục hồi hơn trong khu vực.