Nông nghiệp sạch

Bắc Giang bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững

Thứ ba, 20/8/2024 | 10:53 GMT+7
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác bền vững; nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; nâng cao đời sống, sinh kế cho người dân.

Cụ thể, tỉnh Bắc Giang phấn đấu đạt 100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn, hệ thống sông chính được điều tra, giám sát, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; 100% các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm. Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.

Bắc Giang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản

Với các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Sở, ban ngành, địa phương tập trung điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản; trong đó, chú trọng ương nuôi, sinh sản nhân tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, thủy sản bản địa, đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm để nhanh chóng tái tạo, phục hồi hệ sinh thái. Hàng năm, thả bổ sung một số giống thủy sản có giá trị kinh tế, giống bản địa vào vùng nước tự nhiên nhằm tăng nguồn lợi thủy sản, đồng thời bảo toàn các giống loài tự nhiên, đa dạng sinh thái hiện có trên các thủy vực, từng bước nâng cao sản lượng khai thác tự nhiên, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân, giảm tệ nạn xã hội trong cộng đồng.

Đẩy mạnh khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Giang… để thực hiện hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi môi trường sống của các loài thủy sản vào hệ thống sông, hồ tự nhiên trên địa bàn. Phát động, thực hiện có hiệu quả phong trào thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, ngày môi trường thế giới, ngày quốc tế đa dạng sinh học, Lễ Phật đản, Lễ hội Vu lan…

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng cách tổ chức các lớp hướng dẫn tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp huyện, xã và nông dân về những văn bản pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, lợi ích của việc bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; xây dựng chương trình truyền thông, phóng sự về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn, tranh ảnh, áp phích, tờ rơi, panô cổ động tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Về giải pháp, tỉnh đề ra một số giải pháp trọng tâm như: đa dạng công tác truyền thông, tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện những quy định của Luật Thủy sản, văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.

Nâng cao năng lực quản lý phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Sắp xếp, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, đảm bảo đồng bộ, phù hợp và hiệu quả. Tổ chức các khóa học đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản các cấp. Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa lực lượng chức năng trong công tác thực thi pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án ưu tiên về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Nuôi thương phẩm, thả tái tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, thủy sản bản địa, đặc hữu, bổ sung nguồn giống phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh. Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, khối tư nhân, thông qua chính sách khuyến khích và đầu tư, công tác phát triển khoa học công nghệ trong bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, bền vững và thân thiện với môi trường.

Lâm Bảo