Nông nghiệp sạch

Gia Lai ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Thứ sáu, 23/8/2024 | 17:54 GMT+7
UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 383/QĐ-UBND về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Với định hướng phát triển nông nghiệp tiên tiến, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, kế hoạch nhằm mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên thế mạnh của tỉnh; phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên tiềm năng, lợi thế, theo hướng canh tác thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái; tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, hiệu quả, bền vững; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.

Từng bước phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn một cách toàn diện, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh trật tự được đảm bảo. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại Gia Lai

Kế hoạch nêu, tỉnh Gia Lai sẽ cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực. Trong lĩnh vực trồng trọt, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực là 3,33%/năm, giảm tỷ trọng ngành xuống còn 72,42%, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu, bảo đảm an ninh lương thực trong tình hình mới. Ổn định diện tích gieo trồng vào khoảng 580.000ha; quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa khoảng 70.000ha, chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả như: lúa thường xuyên bị hạn; cao su, hồ tiêu, mía, mì, điều, cà phê... năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp nhu cầu thị trường. Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng: có mã số vùng trồng, có thể truy xuất nguồn gốc, có nhãn hiệu, thương hiệu trên thị trường. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ du lịch. 

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lấy doanh nghiệp là nòng cốt tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt để sản xuất giống và sản phẩm cây ăn quả có giá trị cao, lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu cho vùng nguyên liệu nông sản xuất khẩu tiềm năng của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nông nghiệp, nhất là các dự án từ nguồn vốn ODA như: phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp; giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế, xã hội thông qua bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững ở vùng Tây Nguyên...

Về chăn nuôi, tỉnh định hướng ngành chăn nuôi sang quy mô lớn, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chăn nuôi tuần hoàn bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn. Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến có quy mô phù hợp, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất sản phẩm chăn nuôi hàng hóa, xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Giám sát và kiểm soát dịch bệnh; tăng cường dịch vụ thú y; quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y. Củng cố, kiện toàn hệ thống thú y các cấp.

Xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi trung hạn, dài hạn cho từng địa phương gắn với bảo vệ môi trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tỉnh, trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chăn nuôi, giết mổ, chế biến bằng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thu hút đầu tư để phát triển phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Trong lâm nghiệp, tỉnh sẽ tiến hành trồng rừng khảo nghiệm với một số loài đặc sản, cây dược liệu phù hợp với từng vùng khí hậu bằng các mô hình trồng tập trung hoặc mô hình nông lâm kết hợp; ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống nghiên cứu và cung ứng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Nâng cao giá trị kinh tế, tăng năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao sinh kế cho người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung bảo vệ và phát triển rừng, xác định mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nghề rừng, tăng cường diện tích rừng trồng tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng hình thức xã hội hóa kêu gọi dự án đầu tư.

Gia Bách