Nông nghiệp sạch

Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chủ nhật, 12/9/2021 | 16:13 GMT+7
Lâm Đồng là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng cả nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Giai đoạn mới, Lâm Đồng xác định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, Lâm Đồng có nhiều lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm, khâu đột phá của tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh đã phát huy được lợi thế đó để phát triển nông nghiệp, tạo dựng nhiều thương hiệu sản phẩm danh tiếng tại Việt Nam cũng như thế giới, từng bước đưa nông sản thương hiệu Lâm Đồng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Toàn tỉnh hiện có 61.159ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao (chiếm hơn 20% diện tích canh tác), nhiều mô hình đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm; 13 doanh nghiệp được công nhận là Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT), canh tác hữu cơ; 175 chuỗi liên kết với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17.000 hộ nông dân.

Sản xuất rau trong nhà kính công nghệ thủy canh tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng

Qua các nhiệm kỳ, lãnh đạo tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại”. Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng tiếp tục quyết nghị: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế”.

Với định hướng đó, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp và nông thôn đồng bộ, thống nhất như: hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (chuyển đổi các hình thức hỗ trợ dàn trải, manh mún sang các mô hình đồng bộ, khép kín; chuyển hình thức hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp thông qua đào tạo tay nghề, hỗ trợ kỹ thuật - công nghệ; chuyển hình thức hỗ trợ trước đầu tư sang hỗ trợ sau đầu tư đối với hạng mục phù hợp; ưu tiên hỗ trợ các hộ nông dân có điều kiện khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số…); chính sách nghiên cứu khoa học (hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu khoa học, chế tạo máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất; chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (các hoạt động lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi giống mới phù hợp với thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh); chính sách khuyến khích liên kết, hợp tác (hỗ trợ phát triển trang trại, hợp tác xã; thu hút đầu tư; liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra quỹ đất tập trung…); chính sách thủy lợi nhỏ, đặc biệt là chính sách xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đổi mới việc triển khai các cơ chế tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nông dân và doanh nghiệp. Ưu tiên thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho đơn vị, cá nhân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích, hỗ trợ các đề án khởi nghiệp…

Với nhà nông, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tỉnh đều hỗ trợ đào tạo, tập huấn, tổ chức các buổi trao đổi với chuyên gia để nâng cao trình độ quản trị. Lâm Đồng thường xuyên tổ chức cho các nhà nông “thế hệ mới” tham quan, tìm hiểu các mô hình của nền nông nghiệp hiện đại ở các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Israel... Những chuyến tập huấn ngắn này đã mở rộng tầm nhìn và tư duy làm nông nghiệp tại địa phương.

Lâm Đồng cũng đã ban hành quy định về tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch canh nông, tạo hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Hơn nữa, về vấn đề thương mại điện tử, tỉnh cũng đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực để quảng bá, bán hàng trực tuyến các nông sản có chất lượng cao, đáp ứng phân khúc thị trường mới.

Theo nhandan.vn