Nông nghiệp sạch

Thừa Thiên Huế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

Thứ hai, 16/8/2021 | 14:29 GMT+7
Theo Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025, chính sách phát triển nông nghiệp được triển khai phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết hợp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững của tỉnh.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Thừa Thiên Huế đề ra mục tiêu tổng diện tích lúa chất lượng cao đạt 27.000ha, chiếm khoảng 50% diện tích lúa toàn tỉnh; diện tích sản xuất rau, hoa trong hệ thống nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 15ha; diện tích cây ăn quả đạt khoảng 6.000ha; tổng diện tích sản xuất trồng trọt theo quy trình VietGAP, hữu cơ đạt khoảng 1.000ha.

Đối với chăn nuôi, tỉnh đặt mục tiêu tổng đàn gia súc đạt 255.000 con với tỷ lệ bò lai và lợn nạc so với tổng đàn chiếm trên 85% và 95%; tổng đàn gia cầm 5,4 triệu con; tổng số cơ sở chăn nuôi tập trung đạt trên 1.500 cơ sở, trong đó số trang trại chăn nuôi đạt quy mô vừa trở lên khoảng 300 cơ sở.

Đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 70.000 tấn/năm (trong đó sản lượng khai thác đạt 50.000 tấn/năm, sản lượng nuôi đạt 20.000 tấn/năm). Ưu tiên phát triển nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC...) thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc. Đến năm 2025 diện tích nuôi trên cát ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 200ha.

Mô hình nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao

Trong ngành lâm nghiệp, đến năm 2025 đạt tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 58%; diện trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC đạt khoảng 15.000ha; năng lực sản xuất giống cây lâm nghiệp theo công nghệ nuôi cấy mô, túi bầu hữu cơ đạt trên 10 triệu cây/năm, sản xuất giống cây bản địa đạt 1,5 triệu cây/năm.

Giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh cũng phấn đấu sẽ có khoảng 100 sản phẩm xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều hỗ trợ, giải pháp như hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi trang trại, hữu cơ; sản xuất giống chất lượng cao; đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Cụ thể, dự án đầu tư cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô từ 500m2 trở lên (đối với trồng trọt); 2.000m2 trở lên (đối với nuôi trồng thủy sản bằng ao thường và chỉ tính diện tích ao nuôi); 1.500m2 trở lên (đối với nuôi trồng thủy sản bằng ao tròn nổi) được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà màng, nhà lưới, ao tròn nổi; lắp đặt các thiết bị chuyên dùng như hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, sục khí, xử lý nước cấp, nước thải và một số máy móc thiết bị phục vụ sản xuất khác.

Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi lợn, bò, gà an toàn sinh học hoặc hữu cơ (tối thiểu đạt trang trại quy mô vừa và đạt giá trị sản xuất từ 2.000 triệu đồng/năm trở lên) được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua sắm trang thiết bị, chứng nhận hữu cơ nhưng không quá 500 triệu đồng/trang trại đối với trang trại quy mô vừa và 1.000 triệu đồng/trang trại đối với trang trại quy mô lớn.

Đầu tư trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ

Ngoài ra, các dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đầu tư 30% kinh phí hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ liên kết sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được xếp hạng đạt từ 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ: 100% chi phí thiết kế, in ấn, mua nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm; chi phí thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tối đa không quá 10 triệu đồng/sản phẩm và không quá 30 triệu đồng/cơ sở sản xuất.

Hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và kho lạnh bảo quản sản phẩm OCOP; chi phí xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP; kinh phí xây dựng Trung tâm OCOP để quảng bá, giới thiệu bán hàng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh. Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm (cước phí vận chuyển hàng hóa, chi phí sinh hoạt của người phục vụ tham gia hội chợ, triển lãm và chi phí thuê gian hàng); tối đa không quá 15 triệu đồng/cơ sở cho một lượt tham gia trong nước và không quá 30 triệu đồng cho một lượt tham gia ở nước ngoài.

Gia Bách