Công nghệ Giao thông

Làm chủ công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt

Thứ bảy, 5/4/2025 | 20:43 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 157/TB-VPCP ngày 5/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt tại phiên họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo.

Thông báo nêu: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã khẳng định đường sắt là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. Đây là phương thức vận tải có nhiều ưu điểm, hài hòa giữa các phương thức vận tải (hàng không, đường thủy, hàng hải và đường bộ), vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, bảo vệ môi trường có khả năng kết nối rộng và xuyên quốc gia… Vì vậy, việc phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế.

Với quy mô đầu tư của hệ thống đường sắt trong thời gian tới là rất lớn bao gồm: dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM và các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái…. Đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là đến năm 2030 - 2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…). Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đổi mới tư duy, vượt qua giới hạn của bản thân, phát huy tinh thần tự lực, tự cường…

Các giải pháp cần tập trung như sau: trước hết là tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; huy động mọi nguồn lực (bao gồm sử dụng vốn ngân sách nhà nước, huy động từ nguồn vốn vay, vốn ODA, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất theo hình thức TOD…); xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; bổ sung đầy đủ các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt cho các sự án (như bổ sung cơ chế chỉ định thầu, huy động nguồn lực…); phải có tổng công trình sư có trình độ, năng lực, kinh nghiệm để chỉ đạo các dự án.

Phấn đấu đến năm 2030 - 2045, Việt Nam phát triển được công nghiệp đường sắt. (Ảnh minh họa)

Về phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Bộ Xây dựng xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, trình Chính phủ ban hành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025; phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các cơ quan, trường, đơn vị, địa phương liên quan để xác định rõ nhu cầu, hình thức, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác các dự án…

Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình tập đoàn) để tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quá trình triển khai thực hiện và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi các dự án hoàn thành; hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát quy hoạch các đại học, trường đại học, trường cao đẳng bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu đào tạo trong nước phục vụ đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và phát triển công nghiệp đường sắt.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan, liên quan rà soát các chính sách để huy động các tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia việc đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt. Cùng với đó, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan nghiên cứu xem xét giao Tập đoàn Viettel và VNPT chủ trì đảm nhận trong việc tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.

Về các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội và UBND TPHCM khẩn trương triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15: chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách áp dụng cho hai thành phố và ban hành kế hoạch riêng của mỗi thành phố thuộc thẩm quyền của địa phương; hoàn thành trong tháng 5/2025.

Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TPHCM rà soát lại kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án. Đồng thời, hai thành phố phải có trách nhiệm phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; báo cáo kịp thời tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại địa phương cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo để cập nhật báo cáo chung.

Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai những nhiệm vụ được giao nêu trên; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng bố trí lịch họp Ban chỉ đạo định kỳ hàng tháng.

Lan Anh