Lãng phí thực phẩm làm ảnh hưởng đến tình trạng biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 29/3/2024 | 11:24 GMT+7
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vừa công bố Báo cáo Chỉ số chất thải thực phẩm năm 2024, trong đó nhấn mạnh lãng phí thực phẩm làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Báo cáo Chỉ số chất thải thực phẩm năm 2024 do UNEP và tổ chức phi chính phủ về hành động vì khí hậu của Vương quốc Anh (WRAP) phối hợp thực hiện. Được công bố trước Ngày Quốc tế không rác thải (30/3), báo cáo cung cấp ước tính toàn cầu chính xác nhất về lãng phí thực phẩm ở cấp độ bán lẻ và người tiêu dùng, đồng thời đưa ra hướng dẫn cho các quốc gia về cải thiện việc thu thập dữ liệu và các phương pháp tốt nhất, phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững về giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng vào năm 2030.

Tình trạng lãng phí thực phẩm xảy ra ở mọi thành phố, quốc gia

Theo báo cáo, năm 2022 thế giới đã lãng phí 1,05 tỷ tấn thực phẩm. Khoảng 19% thực phẩm sẵn có cho người tiêu dùng đã bị thất thoát ở cấp độ bán lẻ, dịch vụ thực phẩm và hộ gia đình. Trung bình một người lãng phí 79kg thực phẩm mỗi năm, con số này tương đương với 1,3 bữa ăn mỗi ngày cho tất cả mọi người. Các hộ gia đình lãng phí 631 triệu tấn thực phẩm vào năm 2022, tương đương 60% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí. Các lĩnh vực dịch vụ thực phẩm và bán lẻ chịu trách nhiệm tương ứng cho 290 và 131 triệu tấn.

Trong khi đó, lãng phí thực phẩm tạo ra 8 - 10% lượng khí thải làm nóng hành tinh toàn cầu - cao hơn gần gấp 5 lần so với lượng khí thải từ ngành hàng không. Chỉ có 21 quốc gia đưa tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực vào kế hoạch khí hậu quốc gia. Vấn đề đang diễn ra này không chỉ tác động đến nền kinh tế toàn cầu mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm.

Báo cáo cho biết, lãng phí thực phẩm không chỉ gây ra biến đổi khí hậu mà còn có thể khiến nó trở nên trầm trọng hơn. Các quốc gia có nhiệt độ nóng được phát hiện là lãng phí nhiều thực phẩm hơn các quốc gia có nhiệt độ mát.

Nhiệt độ theo mùa cao hơn, các đợt nắng nóng cực độ và hạn hán khiến việc lưu trữ, chế biến, vận chuyển và bán thực phẩm một cách an toàn trở nên khó khăn hơn, điều này thường dẫn đến một lượng lớn thực phẩm bị lãng phí.

Trước tình trạng đó, ngày càng nhiều chính quyền các cấp đưa ra giải pháp nhằm giảm lãng phí thực phẩm và tác động đến khí hậu và nước. Điển hình như Nhật Bản và Vương quốc Anh đã có mức giảm lần lượt là 18% và 31% nhờ phân chia, sử dụng thực phẩm hợp lý.

Báo cáo khuyến nghị cần tập trung nỗ lực vào việc giảm thiểu chất thải thực phẩm và ủ phân hữu cơ từ thực phẩm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Việt Nga (T/H)