Năng lượng tái tạo

Lợi ích kép của ứng dụng năng lượng tái tạo trong nông nghiệp

Thứ ba, 23/3/2021 | 14:28 GMT+7
Hai năm trở lại đây, cùng với sự “bùng nổ” về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở khu vực Nam Bộ, mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất nông nghiệp đang được triển khai và đạt hiệu quả nhất định.

Phát triển điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao là một mô hình sinh lợi kép đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Đây là mô hình trang trại bên dưới làm nông nghiệp (trồng trọt các loại cây lương thực, cây ăn quả… hoặc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm…), bên trên lắp các tấm pin mặt trời tạo ra điện sạch vừa phục vụ cho chính trang trại vừa bán điện cho điện lưới, tăng thêm doanh thu.

Ngành nông nghiệp trên thế giới hiện nay đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển sản xuất nông nghiệp sang sản xuất mang tính công nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đang khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng này. Đây là hướng đi đúng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch phục vụ cho người tiêu dùng và xuất khẩu.

Mô hình áp dụng trồng trọt và chăn nuôi gia súc dưới hệ thống điện mặt trời ở các tỉnh Nam Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận đã được một số doanh nghiệp và người dân quan tâm, đầu tư nhưng chưa đồng đều nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ.

PV Năng lượng Sạch Việt Nam đã tới tham quan mô hình “Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp năng lượng mặt trời” gọi tắt là AgriSolar+ của công ty CAS tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Hệ thống pin được lắp đặt từ năm 2019 trên diện tích 1ha, chia làm 5 dãy chính với công suất 1MWp. 

Thử nghiệm mô hình sản xuất nông nghiệp dưới hệ thống pin năng lượng mặt trời tại CAS Farm Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận

Ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS cho biết, hệ thống này được lắp đặt với chi phí khoảng 20 tỷ/ha pin, dự kiến 6 – 8 năm sẽ lấy lại vốn. Hiện tại, ông đang thử nghiệm rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp dưới hệ thống pin này: chăn nuôi cừu, trồng hành, trồng nha đam, trồng xương rồng, rau mầm (đều trồng theo dạng thủy canh) và đặc biệt là giống ớt quý Charapita có nguồn gốc từ nước ngoài. Tuy nhiên vẫn chưa xác định được mô hình nào mang lại hiệu quả vì còn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hệ thống pin được đặt cách mặt đất khoảng 4 – 5m có thể chăn nuôi động vật lớn, như bò. 

Theo ông Đông, dự án đang nghiên cứu và thử nghiệm AgriSolar+giúp tạo cơ sở hạ tầng nhà kính/nhà mảng cho sản xuất nông nghiệp với chi phí thấp, phù hợp chăn nuôi gia súc gia cầm (gà, cừu), phù hợp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, cần tính toán tối ưu khoảng cách các tấm pin năng lượng mặt trời để đảm bảo ánh sáng phù hợp hơn cho sự quang hợp của cây trồng bên dưới.

Cũng qua kết quả thử nghiệm cho thấy, AgriSolar+ có thể không tối ưu góc đặt tấm pin nhưng có thể làm tăng hiệu suất phát điện do điều kiện làm việc của các tấm pin được tốt hơn. Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện làm việc rất tốt cho người lao động, tăng năng suất lao động đồng thời giúp cải tạo, biến những khu vực hoang hóa, cẵn cỗi thành những cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, thân thiện với môi trường.

Theo các chuyên gia, cùng với việc áp dụng NLTT vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, một số thiết bị hiện đại như nhà kính, nhà lưới, hệ thống điều khiển chế độ tiểu khí hậu, hệ thống cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, hệ thống tưới nước… được áp dụng trong sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Khi trồng rau, hoa trong nhà kính hay nhà lưới và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến sẽ tạo được môi trường tốt cho cây trồng sinh trưởng, phát triển. Nhờ đó, năng suất có thể đạt gấp 5 - 10 lần so với canh tác truyền thống. Công nghệ sản xuất này đã được khuyến khích ứng dụng tại TPHCM, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu… đem lại năng suất khá cao, chất lượng tốt, bảo đảm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất nông nghiệp cùng lúc mang lại nhiều lợi ích

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, chi phí đầu tư công nghệ vào năng lượng mặt trời ngày càng giảm mạnh, kết hợp phát triển điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả là giải pháp khả thi giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ bên ngoài, giảm thiểu xung đột đất đai và giảm được vốn đầu tư công dùng vào xây dựng những nhà máy điện công suất lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các trang trại nông nghiệp công nghệ cao, bên dưới làm nông nghiệp còn bên trên thì lợp pin mặt trời, vừa sản xuất điện phục vụ chính nhu cầu của trang trại vừa bán điện lên lưới, tạo thêm nguồn cấp cho lưới điện quốc gia.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích kép từ việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong các dự án điện NLTT nhưng để triển khai rộng rãi còn nhiều rào cản, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có chính sách đặc biệt hỗ trợ, tài trợ cho việc nghiên cứu, phát triển, phổ biến, nhân rộng mô hình này cũng như các mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp và NLTT khác. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ thực hiện những thủ tục đăng ký biến động đất đai để các dự án có thể được triển khai nhanh chóng hơn.

Đăng Thái