Sức khỏe

Lượng đường trong máu cao liệu có làm giảm hiệu quả của việc tập thể dục?

Thứ năm, 30/7/2020 | 15:53 GMT+7
Một chế độ ăn nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn về lâu dài có thể khiến sức khỏe suy giảm, bằng cách thay đổi mức độ phản ứng của cơ thể với việc tập thể dục.

Nghiên cứu được thử nghiệm trên động vật gặm nhấm và con người cho thấy rằng, một chế độ ăn nhiều đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến việc kiểm soát lượng đường trong máu kém, làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với việc tập thể dục, dẫn đến sức khỏe giảm sút về lâu dài.

Rất nhiều bằng chứng chứng minh lượng đường trong máu cao là không tốt cho sức khỏe. Những người bị tăng đường huyết có xu hướng bị thừa cân, và có nhiều khả năng mắc bệnh về tim mạch cũng như bệnh tiểu đường loại 2 hơn, ngay cả khi ban đầu họ không có các dấu hiệu sẽ mắc các bệnh này.

Mặt khác, người có lượng đường trong máu cao thường ít tập thể dục. Trong khi đó các nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng, chuột được lai tạo với sức bền kém sẽ xuất hiện các vấn đề về đường huyết sớm. Có thể thấy, mối tương quan giữa lượng đường trong máu và tập thể dục nâng cao sức bền có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ tử vong sớm ở con người.

Đồ ăn chứa nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với việc tập thể dục

Hầu hết các nghiên cứu trước đây về lượng đường trong máu và tập thể dục đều đã xác định được mối liên hệ giữa hai yếu tố trên nhưng không chỉ ra được trình tự hay cơ chế của chúng. Cụ thể như chưa làm rõ liệu tăng đường huyết thường có trước và dẫn đến thể lực thấp, hay theo cách ngược lại, hoặc phương thức để một trong hai yếu tố ảnh hưởng đến yếu tố còn lại.

Vì vậy, trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Metabolism, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu bệnh tiểu đường Joslin (Boston) và các tổ chức khác đã thử nghiệm tăng lượng đường trong máu ở chuột và quan sát xem điều gì sẽ xảy ra khi chúng tập thể dục.

Họ bắt đầu thử nghiệm từ những con chuột trưởng thành, chuyển từ thức ăn bình thường sang chế độ ăn nhiều đường và chất béo bão hòa, tương tự như những gì con người ăn hiện nay. Kết quả cho thấy những con chuột này tăng cân nhanh chóng và lượng đường trong máu cũng dần tăng cao.

Ở một nhóm chuột khác, các nhà nghiên cứu đã tiêm một chất làm giảm khả năng sản xuất insulin, một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tương tự như khi con người mắc một số dạng bệnh tiểu đường. Những con vật đó không béo lên nhưng lượng đường trong máu của chúng tăng lên ngang bằng với những con chuột trong nhóm có chế độ ăn nhiều đường.

Một nhóm khác được duy trì chế độ ăn bình thường để kiểm soát, so sánh.

Sau bốn tháng, các nhà khoa học kiểm tra độ bền từng con chuột bằng cách đo thời gian nó có thể chạy trên máy chạy bộ trước khi kiệt sức. Sau đó, họ đặt một bánh xe chạy trong mỗi lồng động vật và để chúng chạy bộ theo ý muốn trong sáu tuần tiếp theo, như chúng thường làm. Trung bình, mỗi con chuột chạy khoảng 483 km trong một tháng rưỡi.

Các nhóm chuột đã cho thấy sức bền khác nhau trong cùng một mức độ tập thể dục. Nhóm chuột với chế độ ăn bình thường hiện chạy được một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với trước khi thử nghiệm. Còn nhóm có lượng đường trong máu cao cho thấy mức độ cải thiện không đáng kể, hầu như không thay đổi.

Hơn nữa, các nhà khoa học tiếp tục đánh giá bên trong cơ của các nhóm vật thử nghiệm. Cơ bắp của nhóm chuột ăn thức ăn bình thường có các sợi cơ khỏe mạnh, liên tục tạo cơ mới và có một mạng lưới các mạch máu mới vận chuyển thêm oxy và chất dinh dưỡng. Ngược lại, các mô cơ của động vật có lượng đường trong máu cao cho thấy sự xuất hiện một chất cứng dường như đã làm đông các mạch máu mới, ngăn cơ bắp thích nghi với bài tập và làm giảm hiệu quả của tập thể dục.

Tập thể dục và chế độ ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến nhau

Cuối cùng, vì loài gặm nhấm không phải con người nên các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra lượng đường trong máu và sức bền của một nhóm tình nguyện viên. Trong 24 người trẻ tuổi này không ai bị tiểu đường, mặc dù một số người có lượng đường trong máu có thể được coi là tiền tiểu đường. Trong quá trình kiểm tra sức khỏe bằng máy chạy bộ, những người kiểm soát lượng đường trong máu kém thể hiện độ bền thấp hơn so với những người khác. Khi được kiểm tra các mô cơ sau khi tập luyện bằng kính hiển vi, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một vài loại protein có thể ức chế sự cải thiện của cơ thể đối với thể dục.

“Việc liên tục bổ sung đường vào mô cơ không phải là một ý tưởng hay. Chúng có thể làm giảm thiểu các lợi ích từ việc tập thể dục”, bà Sarah Lessard, giám sát nghiên cứu, giáo sư trợ lý tại Trung tâm nghiên cứu tiểu đường Joslin nói.

Trên thực tế, lượng đường trong máu phụ thuộc vào chế độ ăn uống, nên chúng ta có thể cắt giảm lượng đường và các thực phẩm giàu chất béo, chế biến sẵn. Về cơ bản, nghiên cứu cho thấy chế độ ăn kiêng và tập thể dục nên được xem xét cùng nhau khi chúng ta nghĩ đến cải thiện sức khỏe, bởi chúng tác động qua lại lẫn nhau.

Nhưng quan trọng nhất, những con chuột bị tăng đường huyết mặc dù có sức bền kém hơn những con chuột khác nhưng chúng cũng cho thấy dấu hiệu có thể phục hồi kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Vì vậy, dành nhiều thời gian và nỗ lực cho tập thể dục có thể giúp những người bị tăng đường huyết ổn định lại lượng đường trong máu, và sau đó bắt đầu cảm thấy thể lực dần tăng lên, bà Sarah Lessard chia sẻ.

Thanh Tâm - Theo New York Times