Năm 2022: TKV đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng 2% so với năm 2021

Thứ năm, 20/1/2022 | 15:42 GMT+7
Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặt mục tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt hơn 130 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2021.

Năm 2021: Nộp ngân sách Nhà nước đạt 106% so với kế hoạch

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, năm 2021 vừa qua, TKV phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu hụt lao động, gián đoạn cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, chi phí thuê dịch vụ logistics tăng đột biến…

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn không những được duy trì ổn định mà còn đạt mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 128,6 nghìn tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu than đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm. Than sạch sản xuất đạt trên 40 triệu tấn, tăng 2,2 triệu tấn so với kế hoạch, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất, tiêu thụ khoáng sản: 16,8 nghìn tỷ đồng, bằng 109% so với cùng kỳ. Sản xuất, bán điện: 13,6 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm. Sản xuất cơ khí: 3,1 nghìn tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm. Sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp: 5,4 nghìn tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm. Sản xuất kinh doanh khác: 17,1 nghìn tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm. TKV cũng hoàn thành nhiệm vụ nộp ngân sách Nhà nước đạt 19 nghìn tỷ đồng, đạt 106% so với kế hoạch.

Ngành than áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Năng suất lao động toàn Tập đoàn tính theo doanh thu trừ chi phí chưa có lương đạt 206,4 triệu đồng/người/năm, tăng 8,3% so với kế hoạch và tăng 1,1% thực hiện năm 2020. Năng suất lao động sản xuất than đạt 734 tấn/người/năm, tăng 7,8% so với kế hoạch.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm lương thì người lao động của ngành than - khoáng sản vẫn có tiền lương bình quân thực lĩnh 12,97 triệu đồng/người/tháng, không giảm so với thực hiện năm 2020. Riêng lao động sản xuất than đạt 13,79 triệu đồng/người/tháng.

Để chăm lo cho người lao động, năm vừa qua, TKV cũng trích 50 tỷ đồng từ Quỹ phúc lợi tập trung để hỗ trợ tiền lương cho người lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập do dịch bệnh COVID-19 và một số đơn vị khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Trong năm qua, TKV cũng hoàn thành đầu tư, đưa các dự án trọng điểm vào hoạt động như: dự án mở rộng và nâng công suất Nhà máy luyện đồng Lào Cai; hệ thống băng tải cấp than cho Nhà máy tuyển Khe Chàm công suất 4,5 triệu tấn/năm. Hai dự án bauxite Tây Nguyên lần đầu tiên vượt trên 10% công suất thiết kế.

Năm 2022: Triển khai các dự án đầu tư có hiệu quả và phát triển sản xuất ổn định

TKV cho biết, năm 2022 Tập đoàn đặt mục tiêu cao hơn năm 2021. Tổng doanh thu của toàn Tập đoàn dự kiến sẽ đạt 131,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2021. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn cũng cao hơn năm 2021, đạt 13,6 triệu đồng/người/tháng, trong đó lao động sản xuất than 14,2 triệu đồng/người/tháng.

Để đạt được mục tiêu này, TKV xây dựng kế hoạch để vừa phòng chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh.

Về công tác đầu tư, TKV chủ động báo cáo và trực tiếp làm việc với các cơ quan Trung ương để giải quyết các vướng mắc về giấy phép thăm dò, khai thác đối với dự án Khe Chàm II-IV, dự án Mạo Khê -150, dự án Lộ Trí… cũng như cơ chế chính sách đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn về hạ tầng mỏ, cảng biển… Từ đó, Tập đoàn sẽ triển khai các dự án đầu tư có hiệu quả và phát triển sản xuất ổn định.

TKV xây dựng kế hoạch để vừa phòng chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh trong năm 2022

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình khoán quản trị chi phí theo hướng tập trung nguồn lực, tăng hiệu quả chung công tác đầu tư, duy trì mua sắm tập trung một số vật tư thiết bị; triển khai Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2021- 2025, Chiến lược phát triển Tập đoàn gắn với Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phát triển hài hòa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của TKV. Xây dựng chính sách ưu đãi đối với người lao động, công nhân chất lượng cao đi đôi với cải tiến công nghệ. Đầu tư khoa học và công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong các lĩnh vực kỹ thuật…

TKV cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách về năng lượng để TKV chủ động triển khai nhiệm vụ trong Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (phân ngành than), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời cho phép TKV tái khởi động triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh; cấp giấy phép khai thác khoáng sản Cromit mỏ Cổ Định - Thanh Hoá; tổng kết 2 dự án thí điểm khai thác, chế biến Alumin Nhân Cơ - Đắk Nông và Tân Rai - Lâm Đồng làm cơ sở để tiếp tục triển khai các dự án khai thác, chế biến bauxite trong thời gian tới.

Thêm vào đó, TKV kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than dài hạn theo (5 năm) để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, xem xét tăng giá bán than trong nước, cung cấp cho các hộ điện để TKV cân đối được chi phí sản xuất, phục vụ công tác đầu tư phát triển.

Anh Thư