Năm 2022 và những triển vọng của dầu khí thế giới

Chủ nhật, 26/12/2021 | 22:28 GMT+7
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán lượng tiêu thụ dầu thô trong năm 2022 sẽ đạt 99,53 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 96,2 triệu thùng/ngày của năm nay. Trong khi đó, trước khi đại dịch bùng phát, vào năm 2019 lượng thiêu thụ dầu mỏ mỗi ngày trên toàn cầu là 99,55 triệu thùng.

Ảnh minh họa

Cụ thể, nhà phân tích Peter Lee tại công ty Fitch Solutions (Mỹ) dự đoán vào năm 2022, các thị trường mới nổi ở châu Á như Indonesia và Thái Lan sẽ phục hồi mạnh mẽ. Còn ông Richard Gorry tại công ty tư vấn JBC Energy Asia đánh giá nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên 350.000 thùng mỗi ngày tại châu Á trong năm 2022. Theo ông Gorry, phần lớn nhu cầu xuất phát từ Ấn Độ, Trung Quốc.
Điều này dự kiến tạo áp lực lên cả Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Mỹ để đáp ứng nhu cầu.

Giá dầu Brent vào đầu năm là 52 USD/thùng sau đó có thời điểm tăng mạnh lên 86 USD/thùng trước khi giảm dần vào cuối năm. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể quay trở lại chiều hướng tăng vào năm 2022 trừ khi nguồn cung tăng hơn dự kiến. Các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Mỹ ước tính đến năm 2022 giá dầu Brent ở mức trung bình 85 USD/thùng.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ)-ông Damien Courvalin đánh giá: “Nếu có thêm làn sóng dịch, tăng trưởng kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực vào quý đầu năm 2022. Tuy nhiên nếu có hồi phục, nhu cầu về dầu mỏ sẽ ở mức cao kỷ lục trong hầu hết năm 2022”.

Tình trạng nhu cầu dầu mỏ phục hồi trong năm 2021 cũng khiến các nhà cung cấp bất ngờ, gây căng thẳng giữa những nước khai thác dầu và tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc cùng Ấn Độ. Khi giá xăng tăng mạnh vào đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi OPEC và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đẩy mạnh nguồn cung. Tuy nhiên, các quốc gia OPEC đã gặp khó khăn trong nâng sản lượng do thiếu đầu tư.

Mộc Mộc (Theo Reuters)