Tiết kiệm điện năng

Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững

Thứ tư, 30/8/2023 | 15:27 GMT+7
Ngày 30/8, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Thời gian qua, hệ thống báo chí đã không ngừng nâng cao chất lượng; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại “số hóa”. Nhờ vậy, tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao. Đã có rất nhiều tác phẩm báo chí tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giảm tiêu hao năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; khuyến khích tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Với đa dạng loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình, các tác phẩm đã phản ánh kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả ở các địa phương trong việc áp dụng những giải pháp tiết kiệm năng lượng; các cơ sở, công trình xây dựng, các nghiên cứu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các phóng viên trên toàn quốc, với nhiều đề tài mới, thể hiện chi tiết những vấn đề, giải pháp tiết kiệm năng lượng có tính sáng tạo cao, thu hút độc giả, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước trong việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng.

Quang cảnh diễn đàn

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam cho biết, nhu cầu năng lượng tăng khoảng 10% trong giai đoạn 2001 - 2010, khoảng 7% trong giai đoạn 2011 - 2019 trong khi nhu cầu về điện tăng 13%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010 và hơn 9,7% trong giai đoạn 2011 - 2021. Phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010, khoảng 67,7% năm 2020 và sẽ chiếm khoảng 73,1% và 79,7% vào các năm 2030, 2050 theo kịch bản thông thường. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp.

Ông Nguyễn Văn Long cho biết: Theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm tiêu thụ năng lượng 5 - 7 % so với tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2025, giảm 8 - 10% giai đoạn 2019 - 2030. Theo báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), Việt Nam đã cam kết cắt giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 – 2030 so với kịch bản thông thường (BaU) bằng nguồn lực trong nước và có thể tăng lên đến 27% khi nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

Do đó, người dân cần hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Tiết kiệm năng lượng cần trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng, tiềm năng phát triển ngành năng lượng, những mô hình công nghệ tiết kiệm năng lượng, chiến lược tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả cho sự phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng chú là đề xuất mỗi cơ quan báo chí cần cho ra những chuyên trang, chương trình phát thanh truyền hình chuyên đề để tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về tiết kiệm năng lượng. Cần nghiên cứu kỹ đối tượng công chúng để có những hình thức tuyên truyền sinh động hiệu quả. 

Các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc hiện nay, truyền thông mới, đặc biệt các nền tảng số đang thu hút sự chú ý của công chúng, trong đó có đối tượng trẻ vì vậy cơ quan báo chí cần nghiên cứu những nội dung và hình thức tuyên truyền tiết kiệm năng lượng phù hợp để tăng tải trên các nền tảng này.

An Vinh