Nâng khả năng chống chịu thiên tai trong lưu vực sông Mê Kông

Thứ ba, 25/10/2022 | 16:41 GMT+7
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam vừa tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dự án Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mê Kông, nhằm lấy ý kiến, góp ý cho dự án "Khôi phục các lưu vực sông xuyên biên giới để nâng khả năng chống chịu lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mê Kông và đề xuất một hợp phần mở rộng quy mô cho lưu vực sông xuyên biên giới Xê Kông".

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Hồng Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Kông giai đoạn 2021 - 2030 đã được Ủy hội sông Mê Kông quốc tế thông qua vào năm 2020. Để triển khai thực hiện chiến lược này, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã huy động và tìm kiếm nhiều nguồn tài trợ khác nhau từ các quốc gia trong lưu vực và các tổ chức quốc tế. Trong đó có xây dựng Chương trình hợp tác khu vực Mê Kông - Lan Thương nhằm huy động tài trợ từ các sáng kiến hợp tác vùng (ASEAN, MLC và GMS) và các quỹ tài trợ có liên quan.

Chương trình hợp tác này đã xác định 10 dự án thành phần cần được triển khai xây dựng để xin tài trợ, một trong số đó là dự án "Khôi phục các lưu vực sông xuyên biên giới để nâng khả năng chống chịu lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mê Kông và đề xuất một hợp phần mở rộng quy mô cho lưu vực sông xuyên biên giới Xê Kông".

Toàn cảnh hội thảo tham vấn quốc gia

Đại diện Ủy ban sông Mê Kông quốc tế cho biết, Ủy ban đã xây dựng đề cương dự án với các hợp phần chính bao gồm: xây dựng năng lực thể chế về quản lý tổng hợp tài nguyên nước xuyên biên giới của lưu vực sông để giảm nguy cơ lũ và hạn; xây dựng khả năng chống chịu với lũ và hạn xuyên biên giới trong tiểu lưu vực Mê Kông thông qua các công cụ lập kế hoạch thích ứng dựa trên hệ sinh thái và các biện pháp can thiệp; tăng cường quản lý kiến thức và thông tin lưu vực chung, giám sát tài nguyên nước và hệ thống cảnh báo sớm lũ và hạn; xây dựng năng lực cấp vùng để lập kế hoạch, phục hồi và quản lý lưu vực sông; nâng cao và chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ dự án trong hạ lưu vực sông Mê Kông.

Mặt khác, chia sẻ về hợp phần mở rộng quy mô cho lưu vực sông xuyên biên giới Xê Kông, ông Trương Hồng Tiến cho biết, Xê Kông là sông nhánh chảy tự do cuối cùng ở lưu vực sông Mê Kông; bắt nguồn từ Việt Nam, chảy xuống Đông Nam Lào, sau đó chảy vào Đông Bắc Campuchia. Hiện nay, lưu vực sông xuyên biên giới Xê Kông đang phải đối mặt với các thách thức lớn về lũ lụt, hạn hán và suy thoái các hệ sinh thái do biến đổi khí hậu và tác động ngày càng tăng của con người. Trong đó, việc không kiểm soát được các phát triển nông nghiệp và các dự án thủy điện trong quy hoạch trên sông Xê Kông là một trong những thách thức đe dọa đáng kể đến đa dạng sinh học, sinh kế, an ninh nguồn nước và lương thực, nghề cá trong khu vực và các dịch vụ hệ sinh thái khác.

Về việc dựa vào kết quả của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mê Kông” để lấy ý kiến, góp ý cho dự án "Khôi phục các lưu vực sông xuyên biên giới để nâng khả năng chống chịu lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mê Kông và đề xuất một hợp phần mở rộng quy mô cho lưu vực sông xuyên biên giới Xê Kông", ông Trương Hồng Tiến nhấn mạnh, cần xem xét điều kiện của lưu vực sông Mê Kông có tương đồng với điều kiện của lưu vực sông Xê Kông không để áp dụng và cần phải có sự tham vấn của các quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của hạn hán, lũ lụt trên lưu vực sông Xê Kông như Lào và Campuchia.

Mộc Trà