Nghiên cứu định giá tài nguyên nước ở Việt Nam

Thứ ba, 25/10/2022 | 15:44 GMT+7
Việt Nam được đánh giá có nguồn tài nguyên nước (TNN) tương đối dồi dào, nhưng cũng là quốc gia đứng trước tình trạng suy giảm và suy thoái TNN ở nhiều địa phương. Vì vậy, việc định giá, quản lý TNN cần phải được quan tâm và thay đổi để phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Dự thảo Luật TNN (sửa đổi) năm 2022 nêu rõ: Cần tăng cường áp dụng các công cụ, biện pháp kinh tế, tài chính trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN (bao gồm nước ngầm và nước mặt) nhằm đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ TNN, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước và bảo đảm sự công bằng trong việc khai thác, sử dụng TNN. 

Dự thảo Luật cũng có các quy định mới cụ thể hóa các quan điểm, nguyên tắc coi TNN là tài sản, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước thì phải nộp tiền theo nguyên tắc “người được hưởng lợi phải trả tiền”. Mặt khác, việc định giá TNN hợp lý trên nguyên tắc coi nước là một loại hàng hóa đặc biệt sẽ khuyến khích áp dụng các biện pháp/công nghệ tái sử dụng nước trong các ngành sản xuất để giảm thiểu chi phí và hạn chế việc khai thác TNN quá mức có thể phục hồi.

Áp dụng các biện pháp kinh tế, tài chính trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN

Theo đó, nhóm nghiên cứu thuộc Cục Quản lý TNN đã trình bày một số nội dung chính trong sáng kiến “Nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận định giá TNN ở Việt Nam”. Báo cáo được thực hiện nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn từ việc khai thác sử dụng nước và tài chính TNN ở Việt Nam để đưa ra các cách tiếp cận áp dụng định giá TNN phù hợp với thực tiễn, phục vụ cho việc xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế về TNN hỗ trợ công tác quản lý TNN.

Cụ thể, báo cáo đề xuất một số cách tiếp cận định giá TNN trong thời gian tới. Trong đó, nguyên tắc tiếp cận áp dụng định giá TNN sẽ bao gồm: nguyên tắc sử dụng nguồn nước tốt nhất và hiệu quả nhất; nguyên tắc phù hợp với mục đích sử dụng hợp pháp tại thời điểm định giá; nguyên tắc cung cầu; nguyên tắc phân phối thu nhập; nguyên tắc đóng góp; nguyên tắc cạnh tranh; nguyên tắc dự tính cho tương lai.

Cách tiếp cận định giá TNN bao gồm: cách tiếp cận định giá theo thị trường; theo chi phí; theo thu nhập.

Với cách tiếp cận định giá theo thị trường, giải pháp dựa vào thị trường phổ biến là thuế TNN, phí khai thác sử dụng nước, thủy lợi phí, phí giá dịch vụ công, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác, sử dụng nước và đặc biệt là tạo điều kiện hình thành các thị trường, từ đó khuyến khích, tạo động lực cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào những hoạt động này.

Giá cả thực tế trên thị trường quyền khai thác sử dụng nước lâu dài thường là thích hợp hơn để ước lượng giá trị của nước trong các bối cảnh quy hoạch dài hạn. Phương pháp định giá dựa trên thị trường được thực hiện bằng cách so sánh, phân tích thông tin TNN cần định giá với các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường, hay các lợi ích sở hữu tài sản vô hình và các giá trị ẩn ý trong tài sản khác đang được giao dịch trên thị trường. Hai nguồn dữ liệu thường được sử dụng nhất là các thị trường trong đó những lợi ích sở hữu các tài sản vô hình tương tự (quyền khai thác, sử dụng nước; quyền khai thác sử dụng diện tích mặt nước; quyền sở hữu khu đất có nguồn TNN dồi dào) được kinh doanh và các giao dịch trước đó về sở hữu tài sản vô hình đã được tiến hành. 

Định giá TNN khác nhau cho mỗi mục đích khai thác sử dụng nước khác nhau, cụ thể: các loại hình sử dụng nước khác nhau; phương thức lấy nước, cung cấp; xả nước hoặc xả rác; sử dụng nước tiêu hao hay không tiêu hao; mức bảo đảm hay độ tin cậy cấp nước và chất lượng nước; ảnh hưởng của dòng chảy hồi quy tới nguồn nước; mức độ các lợi ích nhận được từ việc phát triển một nguồn nước mới; loại và mục tiêu chất lượng về tài nguyên của nguồn nước đang xem xét; chất lượng yêu cầu của nguồn nước sẽ được sử dụng.

Dựa trên giá trị kinh tế của nước với các mục tiêu cạnh tranh cho các lĩnh vực như: nước sử dụng cho sinh hoạt; nông nghiệp; công nghiệp; giao thông đường thủy và nuôi trồng thủy sản… Giá nước cần phải bảo đảm đủ các chi phí để cung cấp nước cho người tiêu dùng, ít nhất là bao hàm đủ chi phí vận hành bảo dưỡng, chi phí khấu hao công trình và đầu tư phục hồi các công trình cung ứng nước. Trợ cấp tiền sử dụng cho lĩnh vực thủy lợi và nước sạch cần giảm dần để khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn và lâu dài…

Định giá nước theo thị trường và mục đích sử dụng nước

Với cách tiếp cận định giá theo chi phí, giá trị TNN sẽ căn cứ vào chi phí tái tạo ra TNN hoặc chi phí thay thế để tạo ra một tài sản đang được giao dịch theo giá thị trường hiện hành. Cách tiếp cận từ chi phí gồm hai phương pháp chính là chi phí tái tạo và chi phí thay thế. Hai phương pháp này không cung cấp các thước đo nghiêm ngặt về giá trị kinh tế, mà dựa trên sự sẵn lòng trả tiền của mọi người cho một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Với cách tiếp cận định giá từ thu nhập, phương pháp định giá này căn cứ vào thu nhập dựa trên nguyên tắc cơ bản là giá trị nước được tính ra từ các lợi ích kinh tế do nước mang lại trong tương lai. Cách tiếp cận này gồm hai phương pháp chính là bảo tồn và lợi ích thu được trong tương lai của nước.

Giá trị phi sử dụng của nước là những đóng góp tự nguyện để bảo tồn những giống cá đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các chi phí khác như người hưởng lợi cảnh quan từ nguồn nước mang lại phải trả tiền, hay các dự án bê tông hóa các khu vực vùng đệm ven sông hồ, ao… cần tính toán chi phí cho tương lai phải xử lý chống ngập lụt và ô nhiễm do bê tông hóa mang lại.

Từ kết quả nghiên cứu trên, sáng kiến “Nghiên cứu, đề xuất phương pháp tiếp cận áp dụng định giá TNN ở Việt Nam” được kỳ vọng là cơ sở để xây dựng các quy định về tiếp cận áp dụng định giá TNN trong dự thảo Luật TNN (sửa đổi), góp phần xây dựng cơ chế chính sách có tính định lượng, phù hợp với thực tiễn vận hành của thị trường đối với TNN, đáp ứng nhu cầu quản lý tổng hợp TNN trong bối cảnh mới.

Theo dwrm.gov.vn