Nông nghiệp sạch

Ngành nông nghiệp khu vực ĐBSCL cần có chiến lược phát triển dài hạn

Thứ sáu, 11/2/2022 | 14:35 GMT+7
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có buổi họp mặt công tác đầu năm 2022 với giám đốc Sở NN&PTNT của 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh Bạc Liêu.

Đây là dịp để chia sẻ thực trạng sản xuất, những thuận lợi, khó khăn của năm 2021 vừa qua, cũng như kế hoạch hành động, đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm đạt các mục tiêu và kế hoạch năm 2022 của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Cụ thể, theo đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, vùng còn thiếu cân đối an ninh lương thực - đất lúa và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Các vấn đề về ô nhiễm môi trường, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông; xâm thực bờ biển, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực giữa các địa bàn trong bối cảnh mặt bằng chung về học vấn, chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế của toàn vùng còn thấp, hạ tầng giao thông cũng như phục vụ phát triển sản xuất chưa đồng bộ, tiêu thụ hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn...

Đây đều là những vấn đề rất quan trọng, liên quan mật thiết đến cuộc sống, sinh kế của người dân cũng như sản xuất của ngành nông nghiệp cần được Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với lãnh đạo ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành ĐBSCL

Lắng nghe những ý kiến của các Sở, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt này. Chúng ta cùng nhau phải vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới".

Để làm được điều đó, cần thoát dần tư duy mùa vụ, từng năm. Ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL cần có chiều dài trong tư duy, định hướng để có những chiến lược giải quyết được các vấn đề nội tại. Bên cạnh đó chúng ta cần có nền nông nghiệp xanh, bền vững. Xu thế tiêu dùng trên thế giới chính là sử dụng nông sản khi được sản xuất không có sự tác động đến môi trường.

Bộ trưởng cũng lưu ý, các tỉnh ĐBSCL cần nhận thức rõ rằng đất đai vùng đồng bằng lớn nhất nước giờ đang manh mún nhưng tư duy của con người thì không được manh mún. Có những loại nông sản có mặt ở nhiều tỉnh trong vùng, trùng lặp nhưng lại nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất. Vấn đề là cần sự liên kết trong cả sản xuất và tiêu thụ. Việc phát triển thị trường, kêu gọi doanh nghiệp cần được các địa phương làm cùng lúc với việc chuẩn hóa vùng sản xuất.

"Tái cơ cấu nông nghiệp thực chất là cuộc cách mạng về tư duy tổ chức sản xuất, sau đó mới là khoa học kỹ thuật, hạ tầng, thị trường… Đã là cách mạng thì không phải ngồi trong phòng lạnh mà phải lội bùn, lội ruộng với nông dân. Đã đến lúc chúng ta cần có một nền nông nghiệp tự chủ, trong đó tính tổ chức là rất quan trọng. Đặc biệt, chúng ta phải đi vào chuẩn hóa, thoát khỏi nền nông nghiệp dễ dãi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết, với lợi thế tự nhiên phù hợp cho nuôi trồng hải sản, hiện tỉnh đã có vùng sản xuất tôm - lúa hữu cơ với diện tích hơn 60.000ha. Sắp tới, tỉnh sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 100.000ha. Đây là mô hình đã khẳng định tính bền vững với môi trường, cần được nhân rộng. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm triển khai giai đoạn 2 dự án Cái Lớn - Cái Bé để chuyển nước ngọt về huyện Vĩnh Thuận, An Biên và các tỉnh vùng ĐBSCL…

Tại cuộc họp, lãnh đạo ngành nông nghiệp một số tỉnh cũng kiến nghị cần có trung tâm kết nối liên kết chế biến, tiêu thụ nông sản của vùng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp địa phương, đặc biệt là về điều kiện thủy lợi, hạ tầng, liên kết tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, Bộ nên triển khai hướng dẫn liên kết vùng để dẫn dắt, định hướng cho sản xuất nông nghiệp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhất là trong những lúc khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản do dịch bệnh vừa qua.

Ngọc Huyền (T/H)