Nông nghiệp sạch

Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm OCOP địa phương

Thứ ba, 4/1/2022 | 10:56 GMT+7
Thời gian qua, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Quảng Ninh gặt hái được nhiều thành công, đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Song song với nâng tầm chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm OCOP, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân tham gia chương trình đã và đang đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ.

Điển hình như gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Nếu như trước đây, người dân mới chỉ chăn nuôi gà nhỏ lẻ, thì nay nhờ thực hiện hiệu quả các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu tạo giống, xây dựng thương hiệu, Tiên Yên đã trở thành một trong những vùng chăn nuôi gà tập trung, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Cũng như sản phẩm gà Tiên Yên, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ.

Quảng Ninh tăng cường và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đẩy mạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...

Đến nay, hơn 400 nông sản là sản phẩm OCOP của tỉnh đã được hình thành, phát triển, tạo nên chất lượng và giá trị vượt trội. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. 

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường và nâng cao chất lượng việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.

Cụ thể, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và nắm được về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Hồ sơ cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói gửi về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để kiểm tra, giám sát, thẩm định, đề xuất đơn vị thẩm quyền cấp mã.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh đã được cấp 14 mã số vùng trồng và 5 mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, số lượng này còn nhỏ lẻ, đồng thời một số mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa đáp ứng cao quy trình thiết lập, giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định. Trong khi đó, theo xu hướng phát triển, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào sản xuất quy mô lớn và có cơ hội xuất khẩu sang các nước.

Việc xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sẽ làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hạ giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản Quảng Ninh trên thị trường.

Theo nongnghiep.vn