Bất động sản

Nguồn cung bất động sản giảm do siết tín dụng

Thứ sáu, 12/7/2019 | 15:18 GMT+7
Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội ghi nhận sự “trồi sụt” về giá ở một số nơi, lượng giao dịch giảm thì theo các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ khá ổn định, nguồn cung không nhiều và là cơ hội để những người có nhu cầu thực mua nhà để ở.

Nhìn nhận về sự chững lại của thị trường BĐS nửa đầu năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, ngoài ảnh hưởng của đợt rà soát pháp lý các dự án BĐS theo Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 23/4/2019) của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, còn do nguồn cung BĐS giảm sút.

Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy giá rao tăng, nhưng số lượng giao dịch lại không tăng do ảnh hưởng từ việc kiểm soát dòng vốn tín dụng. Thông tư 16/2018/TT-NHNN (ngày 31/7/2018) của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống còn 40%, đã tác động mạnh đến các giao dịch. Do khó tiếp cận vốn, giá nhà lại tăng liên tục, nên nhu cầu đầu tư và mua bán BĐS giảm.

Còn theo báo cáo thị trường BĐS quý II của Cty Tư vấn BĐS CBRE cho thấy, số lượng dự án mới mở bán giảm mạnh. Số lượng căn hộ mở bán mới trong quý II/2019 chỉ khoảng 7.000 căn chỉ bằng 50% so với 2 quý trước đó. Nguồn cung này chủ yếu tập trung ở phía Tây và phía Đông TP.

Cụ thể, ở phân khúc hạng sang không có dự án mới ra hàng, phân khúc cao cấp chỉ có 2 dự án mới được mở bán trong quý với tổng 132 căn hộ, giảm 66% theo quý. Số lượng dự án trung cấp mở bán trong quý này là 12 dự án mới với tổng 4.862 căn giảm 45% theo quý. Ở phân khúc bình dân chỉ có 6 dự án mới được mở bán với tổng nguồn cung 1.422 căn, giảm 32% theo quý.

Theo đánh giá của CBRE, số lượng căn hộ mở bán giảm mạnh là do thiếu hụt dự án mới gia nhập thị trường. Hiện nay, việc Chính phủ rà soát lại quỹ đất cùng siết chặt việc cấp phép dự án mới đã ảnh hưởng mạnh đến việc ra hàng của các DN BĐS.

Trong khi số lượng dự án mới mở bán hạn chế thì số lượng căn hộ tiêu thị trên thị trường lại tăng mạnh ở phân khúc trung và cao cấp. Cụ thể, trong khi sức mua căn hộ hạng sang giảm 26% theo quý, sức mua căn hộ bình dân giảm 33% thì số lượng căn hộ cao cấp đã bán trong quý đạt 675 căn tăng 37%, phân khúc trung cấp đạt 4.566 căn tăng 37% theo quý.

Nhận định về diễn biến thị trường BĐS Hà Nội 6 tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam phân tích: Thị trường hiện nay khó có bong bóng vì BĐS rất cần tiền và quỹ đất, nhưng trong năm 2019 cả hai đều giảm. Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những bước đi hạn chế nguồn tín dụng vào BĐS. Dự báo sắp tới, tín dụng dành cho BĐS sẽ còn siết chặt hơn nữa.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực giúp thị trường này phát triển ổn định. Từ nay đến cuối năm 2019, dựa trên sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các thay đổi của chính sách tín dụng cho BĐS, các chuyên gia nhìn nhận, thị trường BĐS Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển ổn định, không có tình trạng "bong bóng" BĐS.

Về nhu cầu nhà ở, đại diện CBRE cho biết hiện nay quá trình đô thị hóa đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ đã thúc đẩy sự mở rộng của thị trường nhà ở ra xa hơn bán kính trong vòng 10km cả về 4 phía của Hà Nội. Chính vì thế trong thời gian tới, nhu cầu mua nhà ở thực sẽ tiếp tục tăng cao.

Trao đổi về xu hướng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường Hà Nội, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu CBRE cho biết: Hiện nay, việc Chính phủ rà soát lại quỹ đất và thắt chặt cấp phép dự án mới ở các TP lớn như Hà Nội và TP.HCM đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc ra hàng của các chủ đầu tư. Từ nay đến cuối năm thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự khan hiếm ngắn hạn về nguồn cung".

Cũng theo bà Dung, đây là thời điểm thích hợp nhất để người mua BĐS để ở. Nguyên nhân thứ nhất là hiện sau các sản phẩm được bán trên thị trường là sản phẩm sạch đã được rà soát chặt chẽ về pháp lý. Bên cạnh đó giá căn hộ, đặc biệt là Hà Nội đang ở mức hợp lý sau một thời gian tăng trưởng nóng. Do vậy, đây là thời điểm hợp lý để người mua nhà để ở tìm kiếm sản phẩm BĐS an toàn về pháp lý và hợp lý về giá thành.

Theo báo Xây dựng