Nông nghiệp sạch

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên

Thứ tư, 30/10/2024 | 17:55 GMT+7
Ngày 30/10, tại Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên.

Tại hội nghị, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ, Gia Lai có nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến. Hiện tỉnh đã quy hoạch 31 cụm công nghiệp, trong đó có 13 cụm công nghiệp được UBND tỉnh thành lập. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nông sản trên địa bàn tỉnh rất phong phú, ổn định, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển công nghiệp chế biến và gắn kết lâu dài với địa phương.

Gia Lai còn có lợi thế về giao thông, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam. Những điều kiện thuận lợi này đang được tỉnh phát huy hiệu quả, chú trọng vào 3 lĩnh vực thế mạnh: nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.

Quang cảnh hội nghị

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, những năm qua, Tập đoàn và De Heus (Hà Lan) đã liên kết triển khai nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên với quy mô lớn, đạt được thành tựu đáng kể. Tại Lâm Đồng, hai bên có 3 dự án chăn nuôi gà với quy mô 30ha, tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng, hiện đang phát triển ổn định. Tại Đắk Lắk, dự án có diện tích 200ha và tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng cũng đã chính thức đi vào hoạt động. Tại Gia Lai, dự án của hai bên với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã đạt 60% tiến độ thi công và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 cuối năm nay. Để các dự án phát triển thuận lợi cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như các chính sách thu hút đầu tư phù hợp. Qua thực tiễn triển khai, doanh nghiệp nhận thấy vẫn còn nhiều thách thức và trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn, đồng thời cho rằng với tư duy đổi mới, sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu, Tây Nguyên có thể chuyển mình từ một nơi vốn tập trung trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su và cà phê để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Bộ trưởng khuyến nghị chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có tư duy rộng mở hơn, không giới hạn đối với nông nghiệp Tây Nguyên, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Bộ trưởng cũng lưu ý các doanh nghiệp cần quan tâm đến Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) của Liên minh châu Âu bởi trong tương lai quy định sẽ có tác động lớn đến ngành cà phê và gỗ xuất khẩu của Tây Nguyên.

Ngoài ra, Bộ trưởng còn kêu gọi doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chuẩn bị tâm thế phát triển bền vững, sẵn sàng vượt qua các rào cản thương mại và yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe. Bộ sẵn sàng cung cấp thông tin về kỹ thuật của các thị trường cho doanh nghiệp để góp phần phát triển ngành nông nghiệp khu vực tiên tiến, phù hợp với xu thế hiện đại.

Linh Giang (T/H)