Ngày 28/10, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Vụ Hợp tác quốc tế tại Tây Nguyên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đại diện Diễn đàn cà phê toàn cầu tại Việt Nam (GCP) chủ trì Hội thảo “Thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp và các giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất Cà phê” và Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả khuyến nông cộng đồng trong phát triển Vùng nguyên liệu Cà phê”. Tham dự có gần 150 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện các Sở NN&PTNT 5 tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ, Hiệp hội thuộc ngành cà phê, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, nghiên cứu khoa học, Trung tâm phát triển cộng đồng; Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững…
![](/userfile/User/daomp/images/2023/DSC06313-20241028163330833.jpg)
Gần 150 đại biểu tham dự Hội thảo về phát triển ngành cà phê bền vững tại thành phố Đà Lạt
Giải pháp xử lý thu gom chất thải trong sản xuất cà phê
Hiện nay, việc sử dụng nông dược/vật tư đầu vào không đúng cách vẫn còn phổ biến trong sản xuất cà phê; người nông dân vẫn đang sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm hoặc không có trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT. Thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê bao gồm các loại vỏ, bao bì, thùng chứa vật tư nông nghiệp như các loại phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối khi những loại rác thải này được xả thẳng ra môi trường và nguồn nước.
Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế tại Tây Nguyên, một số địa phương sản xuất cà phê đã có những mô hình thu gom rác thải, nhưng việc xử lý những loại rác thải chưa đúng cách để đảm bảo những tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Do đó, cần sự chung tay của cả 2 khối công và tư, sự nỗ lực và hỗ trợ liên tục, hiệu quả bằng thực tiễn và văn bản pháp lý từ các bên gồm khu vực tư nhân và các tổ chức chính phủ có liên quan.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/DSC06282-20241028163330161.jpg)
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tô Việt Châu: Giải pháp thu gom xử lý rác thải trong sản xuất cà phê cần từ nhiều phía phối hợp
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các nội dung liên quan đến vấn đề sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất cà phê. Cụ thể là chia sẻ kiến thức về thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp trong sản xuất cà phê nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm về vấn đề sử dụng; các giải pháp xử lý, thu gom chất thải trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong sản xuất cà phê nói riêng; kết nối/liên kết giữa các nhằm hợp tác, hỗ trợ phát triển cà phê bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Khoa-Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, toàn quốc sử dụng thuốc trừ sâu giai đoạn từ 1991-2007 hàng năm tăng từ 15.000 lên 76.000 tấn. Sử dụng BVTV tăng theo đó tăng chi phí sản xuất 70 USD/ha và đồng thời tác động đến sức khỏe con người và môi trường.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/DSC06309-20241028163330645.jpg)
Tiến sĩ Nguyễn Viết Khoa: Hầu hết rác thải nông hóa trên thế giới đều được xử lý không đúng cách
Ông Khoa khẳng định: “Hầu hết rác thải nông hóa trên thế giới đều được xử lý không đúng cách, gây ra những đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của con người”. Ngay cả được súc rửa vẫn rủi ro cho con người và môi trường, bởi hàm lượng cao asen, cadimi, flo, chì và thủy ngân trong đất, ô nhiễm nước ngầm và nước mặt, ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn nước.
Quản lý và xử lý rác thải vườn cà phê liên quan đến nhiều bên như: nông dân, chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, cơ quan xử lý rác thải nông hóa. Điểm yếu quả lý, xử lý hiện nay là thiếu hướng dẫn cụ thể; thiếu phối hợp các bên; thiếu dịch vụ xử lý chất thải rắn nguy hại; nhận thức người dân và chế tài xử phạt.
Ông Khoa kiến nghị về qui định quản lý xử lý rác thải vườn cà phê cần dựa trên qui định của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức của các bên về thu gom; vận chuyển; phân loại, xử lý; tái sử dụng.
Tác động của thuốc bảo vệ thực vật trên mô hình cà phê trồng xen
“Đánh giá tác động của việc trồng xen trong vườn cà phê đến sinh vật gây hại chính và thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm để phát triển sản xuất cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên, Việt Nam” là đề tài phi dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt và thực hiện 9 tháng đầu năm 2024 tại 3 tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/DSC06294-20241028163330442.jpg)
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Hoài đánh giá tác động việc trồng xen trong vườn cà phê tại Tây Nguyên
Toàn khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 650.000ha cà phê, chiếm 90% diện tích cà phê cả nước. Trong đó, Đắk Lắk 230.000ha, Lâm Đồng 175.000 ha, Đắk Nông 142.000 ha, Gia Lai 110.000 ha, Kon Tum 26.000 ha. Riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm 33% diện tích cả nước. Tỉnh Gia Lai hiện có 46.000ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tiên tiến trên 100% diện tích trồng cà phê…
Chia sẻ với các đại biểu, ông Nguyễn Hà Lộc-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, năm 2023, tỉnh sử dụng 3.400 tấn thuốc BVTV trên các loại cây trồng; lượng thuốc phát sinh trên bao gói thuốc BVTV tương ứng khoảng 170 tấn/năm. Riêng với cây cà phê, phụ phẩm từ vỏ quả trên 211 ngàn tấn được ủ và tạo 145 ngàn tấn phân bón hữu cơ.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoài, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết triển khai dự án nêu trên về thực tế người nông dân sử dụng các loại số thuốc BVTV trong sản xuất cà phê gồm các loại về hóa học, sinh học, thuốc cỏ, thuốc điều hòa sinh trưởng… Lượng thuốc BVTV được sử dụng trung bình trên 01 ha đất canh tác nông nghiệp là 3,14 kg/ha. Đối với cây cà phê, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trung bình là 5 lít/ha (GCP, 2021), 60% nông dân đang sử dụng quá mức thuốc trừ sâu (IDH và Fresh Studio, 2017). Ước lượng vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh trong sản xuất cà phê năm 2023 là 2,15 nghìn tấn.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/DSC093893-20241028163331442.jpg)
Mô hình sản xuất cà phê sạch của đồng bào dân tộc thiểu số K'Ho ở Lâm Đồng
Cũng theo bà Hoài, năm 2022, toàn quốc đã thu gom được 412.793 kg bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; đã xử lý 216.282 kg theo phương pháp đốt đúng quy định; 35.440 kg tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương; 16.111 kg chưa được xử lý tiêu hủy. Đã có 48/63 tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; 42/63 tỉnh, thành phố có 57.910 bể thu gom. Tuy nhiên, thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng còn gặp nhiều khó khăn vì cần nguồn kinh phí lớn; một số địa phương còn tỷ lệ thu gom, xử lý, tái chế phụ phẩm cây trồng vẫn còn thấp; lượng rác thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn, việc giảm thiểu và lựa chọn các vật liệu thay thế chưa có tính khả thi; chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học thay thế phân, thuốc BVTV hóa học còn chậm.
Đối với sản xuất cà phê, việc sử dụng thuốc BVTVkhông đúng cách vẫn còn phổ biến. Vì lợi nhuận, các đại lý bán thuốc BVTV không ngần ngại đưa ra những hướng dẫn sai lệch để khuyến khích nông dân mua và sử dụng càng nhiều hóa chất nông nghiệp càng tốt. Việc trồng xen cà phê với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, mắc ca,... ngày càng phổ biến ở 5 tỉnh Tây Nguyên dẫn đến việc nhiễm chéo các loại thuốc BVTV sử dụng, làm cho việc quản lý MRL trên hạt cà phê rất khó khăn và phức tạp.
![](/userfile/User/daomp/images/2023/DSC8381-20241028163331083.jpg)
Giám đốc Công ty TNHH Thuần Trịnh Café Trịnh Tấn Vinh (giữa) giới thiệu thành công của mô hình về sự cộng sinh đa tầng cây hiệu quả trên vườn cà phê
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra đề xuất các danh mục gồm: Hoạt chất BVTV sử dụng an toàn trên các mô hình cà phê trồng thuần và trồng xen hồ tiêu, sầu riêng đến năm 2026, 2030; thuốc BVTV sinh học khuyến cáo sử dụng đến năm 2026 và 2030. Đồng thời, một số giải pháp cần thực hiện là: Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở; Tăng cường tập huấn cho nông dân và cán bộ cơ sở; Tăng cường tập huấn về sử dụng thuốc BVTV trên các loại cây trồng cụ thể để nông dân áp dụng; Nghiên cứu thử nghiệm các hoạt chất thay thế thuốc BVTV trong danh mục khuyến cáo loại bỏ hoặc cấm đến 2026 và 2030.