Nông nghiệp sạch

Yên Bái phát triển thương hiệu nông sản OCOP

Thứ ba, 29/10/2024 | 11:32 GMT+7
Tỉnh Yên Bái đã và đang tăng cường chất lượng, phương thức quảng bá sản phẩm OCOP nhằm lan tỏa thương hiệu nông sản, phát triển kinh tế nông thôn bền vững tại địa phương.

Mới đây, tại diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển thương hiệu nông sản, tiêu thụ sản phẩm OCOP”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhiều hộ dân sản xuất cùng trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong phát triển thương hiệu nông sản và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Được biết, sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Yên Bái có 248 sản phẩm OCOP, trong đó có 223 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm có sự khác biệt, mang đặc trưng riêng, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.

Nhiều sản phẩm đặc sản, chủ lực của tỉnh đã khẳng định được lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Chương trình OCOP đã góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 

Phát triển thương hiệu nông sản và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Chương trình OCOP cũng góp phần triển khai hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước đưa tỉnh Yên Bái trở thành địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ ở khu vực miền núi phía Bắc.

Tại diễn đàn, đại diện các ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã tập trung thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc thuê đất sản xuất, vay vốn… Mong muốn nhà nước tổ chức, hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm OCOP trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm thông qua các hội thảo, hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với khu du lịch trọng điểm. Tăng cường liên kết bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, tiếp tục thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản tại các khu cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu. Ứng dụng rộng rãi hoạt động thương mại điện tử trong kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Tập trung thu hút vốn, mở rộng nhiều hình thức huy động vốn qua liên kết cùng đầu tư, chia sẻ quyền lợi với doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài địa phương.

Để nâng tầm cho các sản phẩm nông sản địa phương thành những sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu, được nhiều người biết đến, các địa phương cần tranh thủ tối đa nguồn lực, chương trình, dự án, để phát triển sản phẩm đặc sản thành sản phẩm OCOP; thông qua các chương trình hỗ trợ như khuyến khích thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, cho vay vốn ưu đãi, mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chương trình liên kết giữa các xã nông thôn mới về phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường tiêu thụ.

Xây dựng thương hiệu, cấp mã số vùng trồng, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý... để sản lượng, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm OCOP được nâng lên, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn.

Mộc Trà (T/H)