Văn hóa, du lịch

Những lễ hội trâu đặc sắc

Thứ sáu, 12/2/2021 | 14:00 GMT+7
Trâu là một trong những con vật gần gũi với con người, gắn bó mật thiết với nền nông nghiệp. Trong văn hóa phương Đông, trâu (Sửu) là một trong 12 con giáp, đứng ở vị trí thứ hai, đồng thời là gia súc đứng đầu trong lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Tại châu Á, hình tượng con trâu gắn với một số lễ hội đặc sắc.

Cuộc thi trâu đẹp (Việt Nam)

Đối với người dân Việt Nam, con trâu là người bạn thân thiết với người nông dân. Ngoài cung cấp sức kéo, sinh sản thì trâu còn là một tài sản lớn mang giá trị cao, nhiều gia đình từ chăn nuôi trâu mà thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa và nuôi con ăn học. Chính vì vậy, để tri ân những chú trâu của gia đình, người dân xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã trang trí những chú trâu thành những tác phẩm nghệ thuật di động, nhìn rất lạ mắt và đầy sáng tạo.

Những con trâu sẽ được trang điểm cẩn thận, tỉ mỉ trong nhiều giờ liên tục, người vẽ sẽ dùng bình xịt, sơn và bút vẽ để tạo hình, vẽ lên những bức tranh trừu tượng trên khắp mình con trâu từ sừng cho đến móng trâu.

Những chú trâu được chọn lựa từ các xã đều có hình dáng đẹp, béo khỏe và hiền lành. Trâu đoạt giải sẽ tham gia Lễ hội Tịch điền diễn ra vào tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Lễ hội Trâu xuân (Trung Quốc)

Với người Trung Quốc, con trâu cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống trên nhiều phương diện văn học, hội họa, ca dao, tục ngữ, phong tục... Người ta quan niệm trâu là thánh vật nên thường được coi là biểu tượng cho cầu nối giữa trời và đất, người và tiên; là vật tế lễ để thần tiên ban phước lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân gian an bình. Trâu còn tượng trưng cho sự tốt lành, ai mơ trâu vàng đến nhà là điềm phú quý, cưỡi trâu vào thành là có hỉ sự, trâu sinh nghé là tâm thành ý nguyện.

Đến nay, nhiều địa phương trên đất nước Trung Quốc vẫn duy trì tục Trâu xuân: người ta đắp hình con trâu bằng đất hoặc làm bằng giấy cao 4 thước, dài 8 thước, tượng trưng cho 4 thời, 8 tiết. Con trâu mô hình này được rước rất long trọng kèm theo các hoạt động vui chơi như ca hát, múa, rước đèn lồng... gọi là xuân ngưu (trâu mùa xuân), sau đó lấy roi vừa quất vào nó vừa đọc lời chúc an lành. Các dân tộc thiểu số khác còn tổ chức nhiều lễ như lễ Ngưu vương, cúng Ngưu vương để cầu con, phòng bệnh, đuổi tà ma...

Lễ hội đua trâu (Thái Lan)

Lễ hội đua trâu truyền thống ở Thái Lan đã có cách đây hơn 140 năm trước. Hàng năm, cứ vào tháng 10, người dân tỉnh Chonburi vẫn duy trì tổ chức lễ hội để hy vọng một năm mới mùa màng bội thu, được mùa.

Con trâu gắn liền với sản xuất nông nghiệp nên lễ hội đua trâu như một cách giúp người nông dân thể hiện ước nguyện những chú trâu của họ được khỏe mạnh, cường tráng hơn để sang một mùa vụ mới giúp thu hoạch được nhiều lúa, cuộc sống của mọi người được ấm no, đầy đủ.

Tại lễ hội, những chú trâu sẽ được trang điểm đặc biệt hơn so với ngày thường, người dân cũng khoác lên mình nhiều trang phục độc đáo, vui tươi. Trâu được chọn phải là những chú trâu khỏe mạnh, to lớn, được chăm sóc với chế độ riêng để có sức lực để tham gia cuộc thi trên đường đua.

Nghi lễ hóa trang thành trâu nước (Indonesia)

Với phong tục hóa trang thành con trâu nước, người dân ở Banyuwangi (Indonesia) thể hiện lòng thành kính của mình với thần linh.

Theo đó, vào mọi tháng Muharram hoặc Suro theo lịch của người Java, những con trâu nước do con người đóng giả sẽ đi lang thang trên các con phố trong làng.

Các “trâu nước” này là những người đàn ông bôi nhọ bằng than hoặc dầu, đeo sừng và chuông quanh cổ. Họ diễu hành, nhảy múa hào hứng qua các con đường làng để thực hiện nghi lễ cầu mưa và cầu sự bảo vệ của thần linh. Thông thường, chỉ những người đàn ông hóa trang thành trâu nước, loài động vật linh thiêng và mạnh mẽ nhất trong nông nghiệp, tượng trưng cho quyền lực.

Lễ Thần nông (Trung Quốc)

Thần nông là vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên đã dạy dân nghề làm ruộng. Lễ Thần nông tức là lễ tế vua Thần nông để cầu mong sự được mùa và nghề nông phát đạt. Các quyển lịch hàng năm của người Trung Hoa thường vẽ mục đồng dắt một con trâu. Trong đó, mục đồng chính là vua Thần nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông.

Hình chú bé mục đồng và con trâu sẽ thay đổi hàng năm, tùy theo sự ước đoán về mùa màng năm đó tốt hay xấu. Năm nào được mùa thì Thần nông mang giày dép chỉnh tề, còn năm nào đói kém thì Thần nông sẽ có vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày có một chân. Con trâu cũng đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, theo đó các màu: vàng, đen, trắng, xanh, đỏ ứng với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Hàng năm, vào ngày Lập Xuân, một số tỉnh ở Trung Quốc sẽ có tục tế và rước Thần nông. Người ta nặn trâu và tượng Thần nông có dáng vẻ, màu sắc đúng với sự ước lượng về mùa màng năm đó. Sau đó lập đài để rước trâu và tượng Thần nông tới làm lễ tế. Sau mỗi cuộc tế, trâu và tượng Thần Nông được khiêng cất vào kho hoặc đem chôn.

Gia Linh