Văn hóa, du lịch

Đàn trâu gỗ dát vàng độc đáo tại Hà Nội

Thứ năm, 11/2/2021 | 09:00 GMT+7
Hơn 100 tượng gỗ hình con trâu với tạo hình và trang trí độc đáo được trưng bày tại làng cổ Đường Lâm hiện đang thu hút lượng lớn khách thăm quan du lịch trước thềm năm mới Tân Sửu 2021.

Hàng trăm tượng gỗ hình con trâu với nhiều hình thù độc đáo, đẹp mắt, mang đậm dấu ấn văn hóa một thời là tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội).

Hơn 20 năm theo đuổi và gắn bó với công việc tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài dân tộc, anh Phát cho biết, ý tưởng làm 1010 tượng trâu sơn mài của anh xuất phát từ tác phẩm “trâu hoa Lạc Việt” do anh sáng tạo. Bộ ba tượng trâu này đã mang về cho anh giải thưởng cao nhất trong nhóm sơn mài của cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ năm 2020.

Anh chia sẻ, từ bao đời nay, con trâu là đầu cơ nghiệp và cũng là người bạn thân thiết với người nông dân Việt Nam. Đặc biệt, năm mới sắp tới là năm Tân Sửu nên anh muốn sáng tạo những tượng trâu độc đáo, vừa gửi gắm tấm lòng tri ân với quê hương đất nước vừa lưu giữ, trân trọng vẻ đẹp văn hóa lâu đời của cha ông.

Không gian trưng bày tượng trâu của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là một không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống, tách bạch hoàn toàn với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt. Các tác phẩm tượng gỗ của anh thường gắn với những biểu tượng văn hóa gần gũi với người dân Việt Nam như: con trâu, con dê, con gà, con ốc sên… kết hợp với trưng bày tại các ngôi nhà cổ, tạo ra không gian văn hóa vừa truyền thống vừa thân thuộc.

Anh Phát tạo hình tượng trâu bằng gỗ mít

Chia sẻ về cách sản xuất tượng gỗ hình trâu, anh Phát bộc bạch, anh đã dành tất cả tâm huyết của mình để có thể tạo nên hồn cốt nghệ thuật cho mỗi tác phẩm, để cho ra đời những tác phẩm độc đáo, vừa truyền thống lại có nét hiện đại vừa đem lại giá trị kinh tế cao.

Các tác phẩm của nghệ nhân Tấn Phát được làm từ gỗ mít, mỗi sản phẩm đều phải trải qua hàng chục bước, từ phác thảo ý tưởng ra bản vẽ, nặn thử bằng khuôn đất, điêu khắc thật trên gỗ, các lớp phủ sơn, đánh bóng, khảm trai, dát vàng, bạc, tạo hiệu ứng màu…

Anh tâm sự: “Là một người họa sỹ, một nghệ nhân sơn mài nên tôi luôn đòi hỏi tư duy sáng tạo trong mỗi tác phẩm của mình vì vậy, mỗi tác phẩm do tôi sản xuất đều là sản phẩm thủ công độc nhất vô nhị”.

Đáng nhắc đến là những sản phẩm anh Phát làm ra đều rất gần gũi với người dùng và mang nhiều tiện ích. Những tượng gỗ mang vẻ ngoài đáng yêu, sáng tạo, độc đáo, không chỉ làm đồ trang trí mà còn có công dụng làm hộp để đồ, chậu cây…

Chậu cây, cốc đựng đồ hình trâu

Trong bộ sưu tập 1010 con trâu này, anh chia sẻ, không dừng ở việc tạo hình con trâu thông thường, các tượng trâu của anh đều được gắn với các biểu tượng, thông điệp nhất định, với những ý nghĩa và chủ đề riêng.

Cụ thể: nhóm "Trâu thực" là những con trâu thuần nông có hình dáng bầu bĩnh, ngộ nghĩnh, đáng yêu; "trâu cổng làng" là sự kết hợp giữa hình tượng con trâu và cổng làng, gắn với hình ảnh làng quê Việt Nam; trâu kết hợp với hoa văn cổ - những hoa văn cổ trên đình chùa, nhà cổ sẽ được nghệ nhân sáng tạo, gắn với hình tượng con trâu, gửi gắm những hy vọng trong năm Sửu. Nhìn chung, các tượng trâu có khắc hoa văn cổ của Việt Nam đều nhằm mục tiêu giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, đồng thời truyền tải vẻ đẹp này đến với mọi người.

Những ngày cận Tết, không gian trưng bày tượng trâu của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở làng cổ Đường Lâm luôn nhộn nhịp khách thăm quan. Anh Phát cho biết, từ khi quyết định làm tượng trâu cho đến nay anh đã làm được hơn 300 mẫu. Anh đem trưng bày khoảng 100 mẫu tượng trâu ở không gian nhà cổ để vừa tạo không gian văn hóa nghệ thuật cho du khách khi đến thăm quan và có thể bán làm quà lưu niệm. Cho đến nay anh đã bán được khoảng 200 tượng gỗ hình trâu với nhiều hình dáng độc đáo.

Tượng trâu được trưng bày tại nhà cổ ở làng Đường Lâm

Nhân dịp năm mới 2021, anh lồng ghép thêm những chi tiết vui tươi, đặc trưng vào sản phẩm. Các tượng trâu sản xuất trong thời gian này sẽ có màu sắc chủ đạo là màu đỏ, vàng, cam… và được khảm trai hình hoa, được dát thêm vàng để tăng thêm phần đặc sắc.

Đặc biệt, anh Phát đã thu mua những miếng gỗ vụn, thừa từ nhiều xưởng mộc để tạo ra sản phẩm; tận dụng các sản phẩm bỏ đi như vỏ trứng, vỏ trai để khảm lên các sản phẩm của mình, vừa duy trì và phát huy nghệ thuật sơn mài truyền thống vừa như một cách để kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường.

Trong tương lai, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sẽ tiếp tục sáng tạo, sản xuất thêm nhiều tác phẩm tượng gỗ sơn mài độc đáo, riêng biệt hơn nữa, đồng thời hy vọng có thể truyền đạt kinh nghiệm của mình để đào tạo lớp trẻ, mong muốn duy trì nghệ thuật sơn mài và nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Thanh Tâm